.

Quốc hội thảo luận về dự Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi)

Cập nhật: 15:49, 22/10/2024 (GMT+7)

Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận dự Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận hội trường, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho biết, cơ bản nhất trí với bố cục dự thảo Luật.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý về độ tuổi đối với nạn nhân của hành vi mua bán người, đại biểu Huỳnh Thị Phúc viện dẫn khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật quy định “Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là mua bán người ngay cả khi không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác” để đối chiếu với với các hành vi tương ứng như tại tại Điều 150 và các điểm b, c khoản 1 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” và Điều 1 Luật Trẻ em, để xác định mâu thuẫn trong quy định về tuổi của nạn nhân.

Trên cơ sở đó, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật về độ tuổi đảm bảo tính tương thích với Bộ luật Hình sự và các luật có liên quan. Đồng thời, bảo đảm sự tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết liên quan đến mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Liên quan đến các biện pháp bảo vệ và bảo vệ bí mật thông tin trong phòng, chống mua bán người, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét một số nội dung quan đến các biện pháp bảo vệ và bảo vệ bí mật thông tin trong phòng, chống mua bán người, trong đó cần quan tâm bổ sung các biện pháp bảo vệ như: Giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ nhằm tránh lộ, lọt thông tin về người cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ bí mật thông tin để phòng tránh lộ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và tình trạng của nạn nhân.

Về quản lý an ninh trật tự tại khoản 4 Điều 9 quy định: “Tuần tra, kiểm soát tại biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển và hải đảo nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người”, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh thành “Tuần tra kiểm soát trên khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển và hải đảo nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.” Đại biểu Phúc phân tích quy định “trên khu vực biên giới” sẽ bao gồm cả đường bộ, đường biển và đường không, bao hàm cả những nơi có cảng biển nằm sâu trong nội địa mà không phải khu vực cửa khẩu, không phải khu vực biên giới. Từ thực tế cho thấy, đây là những khu vực trọng điểm phải tổ chức lực lượng tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

Để góp phần hoàn thiện hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như đảm bảo các quyền được học hành cũng như các quyền, lợi ích khác của trẻ em trong tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về theo điểm b, Khoản 1, Điều 30 dự thảo Luật, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về quyền, các chính sách hỗ trợ đối với nhóm trẻ em được sinh ra trong quá trình người mẹ bị lừa bán ra nước ngoài. Đại biểu cho biết trên thực tế có rất nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân mua bán người đã sinh con ở nước ngoài nhưng khi được giải cứu trở về thì không thể đem theo con cùng hồi hương hoặc nếu cả mẹ và con được giải cứu, hồi hương thì cũng gặp rất khó khăn khi làm các thủ tục, giấy tờ có liên quan.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

.
.
.