Quốc hội thảo luận về dự Luật Di sản Văn hóa

Thứ Tư, 23/10/2024, 15:36 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 23/10, Quốc hội tiến hành thảo luận dự Luật Di sản Văn hóa. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho biết cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung hành vi “Xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích” để luật hóa nội dung này tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 98 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đối với các nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng có tác động đến Luật di sản Văn hóa (sửa đổi) để đảm bảo đầy đủ, làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích.

Đại biểu Phúc cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung: Quy định việc sử dụng, phát huy giá trị là di tích là tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết vào Điều 91 về sử dụng, khai thác di sản văn hóa của dự thảo Luật. Đồng thời bổ sung vào Điều 98 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan thuộc phạm vi của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về các nội dung có tác động đến Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Phúc viện dẫn theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề cập việc đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 10 dự thảo Luật theo hướng sửa loại hình “nghệ thuật trình diễn dân gian” thành “nghệ thuật diễn xướng” nhằm đảm bảo tính bao quát và đầy đủ đối tượng nhưng hiện tại dự thảo Luật vẫn chưa chỉnh lý, tiếp thu ý kiến này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đại biểu Phúc, để phù hợp với việc chia di sản văn hóa phi vật thể và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước năm 2003 của UNESCO, tại Điều 10 dự thảo Luật có phân chia di sản văn hóa phi vật thể thành 6 loại hình, lĩnh vực trong khi Công ước năm 2003 của UNESCO thì chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình, lĩnh vực. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát quy định phân chia loại hình, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể hoặc Việt Nam có cách phân chia loại hình, lĩnh vực khác biệt cần nên làm rõ để tránh bất cập về sau.

Đối với khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, đại biểu Phúc cho biết Ban soạn thảo tiếp thu khá toàn diện tại Điều 27.

Đại biểu Phúc chỉ rõ điểm mới quan trọng trong Dự thảo Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) lần này là có quy định về việc: (i) Cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có trong Khu vực bảo vệ I; (ii) Sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích; nhà ở riêng lẻ; công trình kinh tế - xã hội trong Khu vực bảo vệ II.

Từ đó, đại biểu Phúc nhận định: Khu vực bảo vệ II có thể được hiểu là đất hỗn hợp, theo Luật Đất đai là có nhiều chức năng sử dụng như: ở, thương mại dịch vụ, văn hoá, cây xanh, cảnh quan.. nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chung là không làm ảnh hưởng đến Khu vực bảo vệ 1.

Tuy nhiên, đại biểu đánh giá trên thực tế, đây là điểm vướng mắc lớn trong thực tiễn cần quan tâm, do không có căn cứ cụ thể xác định phạm vi việc khoanh vùng khu vực bảo vệ, mặc khác trong khi khu vực này có dân cư sinh sống, có các thiết chế hạ tầng khác...

Điều đó làm cho các nhiệm vụ sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản Văn hóa bắt buộc phải ghi chức năng sử dụng là đất di tích và triển khai quy hoạch công trình xây dựng phải thể hiện là đất di tích, nên các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà cửa, xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu... rất khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội.

Để khắc phục tình trạng này và tạo sự thống nhất giữa các Luật Đất đai, Xây dựng và Di sản Văn hóa (sửa đổi), đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung làm rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nhà ở riêng lẻ, công trình kinh tế - xã hội trong Khu vực bảo vệ 2.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU (Từ Hà Nội)

;
.