Quốc hội thảo luận dự Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thứ Tư, 23/10/2024, 09:45 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 23/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phát biểu thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết cơ bản thống nhất với bố cục của dự thảo Luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: CHÂU VŨ

Góp ý về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân nhận định chưa bao hàm đầy đủ các nội dung đang quy định trong dự thảo luật về  “trách nhiệm của gia đình người chưa thành niên”, việc “thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”, “trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên”. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung để đảm bảo đầy đủ và đồng bộ với các nội dung trong dự thảo luật.

Về áp dụng hình phạt, đại biểu Quân đề xuất bỏ nội dung tại khoản 3 Điều 13 quy định: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên”, vì quy định này đã được quy định cụ thể tại các điều luật khác là khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự “không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi”; Điều 39 Bộ luật Hình sự “không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi". Đồng thời, tại Điều 112 của dự thảo Luật này đã quy định mức hình phạt cao nhất không quá 15 năm tù đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và không quá 9 năm tù đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi để đảm bảo tính tương thích và phù hợp.

Đối với nội dung người làm công tác xã hội, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục để quyết định một người làm công tác xã hội trong tham gia tố tụng xử lý hình sự đối với người chưa thành niên. Đại biểu Quân nhận định tại Điều 32 có quy định nhưng chưa rõ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là người làm công tác xã hội để tham gia giải quyết vụ án hình sự. Đại biểu đặt câu hỏi cơ quan nào sẽ làm hồ sơ thủ tục, trình tự đề nghị Sở LĐTBXH xét duyệt chấp thuận và quyết định thế nào Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ hơn.

Về quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, đại biểu Quân viện dẫn khoản 1 Điều 60 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch xử lý chuyển hướng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán ra quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng” để đưa ra nhận định quy định này sẽ không rõ cơ quan nào sẽ ra quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, có thể dẫn đến việc áp dụng theo nhận thức chủ quan, không thống nhất. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể  hơn.

Về xem xét việc áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng tại khoản 1 Điều 56, đại biểu Quân phân tích nếu quy định như nội dung dự thảo, thì có thể hiểu là cả 3 cơ quan là: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đều phải ra thông báo áp dụng hoặc không áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng căn cứ vào quy định tại các điều 36, 38, 39 và 40 của Luật này. Từ đó, đại biểu đưa ra câu hỏi nếu trong trường hợp cả 3 cơ quan tố tụng trên ra quyết định áp dụng thủ tục xử lý khác nhau thì xử lý như thế nào? Cơ quan nào chủ trì giải quyết và đề nghị Ban soạn thảo cần quy định thống nhất.

Đối với khoản 6 Điều 56 quy định, đại biểu Quân cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp vì thực tiễn có những vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội, phạm tội có tổ chức… mà trong đó có 2 người chưa thành niên trở lên, có tính chất, mức độ phạm tội khác nhau thì không phải tất cả đề được áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng, mà vẫn tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn đối với người còn lại, do đó không thể hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Về trách nhiệm của người được chỉ định giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng, đại biểu Quân cho biết dự thảo Luật chưa quy định cơ quan hay tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền chỉ định người giúp đỡ người chưa thành niên tái hoà nhập cộng đồng, cũng như chưa quy định điều kiện, tiêu chuẩn của người này như thế nào, thời gian giúp đỡ bao lâu, có quyền và lợi ít gì khi tham gia giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này.

Cuối phiên thảo luận, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)

;
.