Quả đấm chủ lực trong chiến dịch Bình Giã

Thứ Tư, 23/10/2024, 17:10 [GMT+7]
In bài này
.

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân giải phóng ở miền Nam, đánh dấu bước phát triển về tổ chức chỉ huy và kỹ, chiến thuật của bộ đội chủ lực. Chiến dịch chứng minh tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng chủ lực mạnh để nhanh chóng thay đổi tương quan lực lượng, tạo lợi thế cho ta trong cuộc chiến.

Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ trao cờ thưởng mặt trận cho Trung đoàn Bình Giã. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ trao cờ thưởng mặt trận cho Trung đoàn Bình Giã. Ảnh tư liệu.

“Quả đấm” tạo trận then chốt

Đầu năm 1960, trên chiến trường miền Nam, quân ta tuy giành được một số thắng lợi, lực lượng chính trị mạnh nhưng lực lượng quân sự còn yếu, chủ lực Miền chưa phát huy được vị trí, vai trò.

Cuối năm 1961, tại Nam Bộ, ta thành lập được 2 trung đoàn bộ binh gồm: Trung đoàn 762 (mật danh Q762) và Trung đoàn 761 (mật danh Q761). Sau thời gian kiện toàn, Trung đoàn 762 mới diệt tương đối gọn từng tiểu đoàn biệt động quân “cọp đen” ở Thanh Tuyền - Bến Cát, Bàu Cá Trê - Chiến khu Đ, Tàu Ô - Quốc lộ 13 Bình Long. Trung đoàn 761 tập trung huấn luyện cách đánh công đồn, trụ lại đánh địch phản kích tại Bến Cầu - Tây Ninh.

Từ năm 1964, Trung ương Cục và Quân ủy Miền vận động, thu nhận thanh niên tình nguyện, chủ yếu từ các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ lên miền Đông để xây dựng quân chủ lực. Q761 và Q762 được bổ sung vũ khí, trang bị tương đối đầy đủ, được huấn luyện chiến đấu tập trung.

Trung đoàn 762 đánh ấp chiến lược Bình Giã. Ảnh tư liệu.
Trung đoàn 762 đánh ấp chiến lược Bình Giã. Ảnh tư liệu.

Tháng 9/1964, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược, tranh thủ thời cơ đánh bại quân ngụy; phát triển bộ đội chủ lực, đẩy mạnh tác chiến tập trung quy mô cấp chiến dịch. Trung ương cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Bình Giã và huy động toàn bộ quân chủ lực, gồm: 2 trung đoàn bộ binh (Q761 và Q762), 4 tiểu đoàn pháo phối hợp với Tiểu đoàn 800 của Quân khu 7, Tiểu đoàn pháo binh 186 của Quân khu 6, Đại đội 445 tỉnh Bà Rịa, Đoàn pháo binh Biên Hòa, ước tính khoảng 7.000 quân.

Ngày 2/12/1964 mở màn chiến dịch. Pháo binh ta tập kích vào chi khu Đức Thạnh, Đại đội 445 tập kích địch ở Bình Giã. Trận đánh khêu ngòi không thành, bộ đội ta phải rút khỏi khu vực Bình Giã. Ngày 7/12, Đại đội 445 và Trung đoàn 761 được lệnh tiến công ấp Bình Giã, sử dụng pháo binh bắn phá chi khu Đức Thạnh; Trung đoàn 762 tiến công chi khu quân sự Đất Đỏ.

Do áp lực của quân ta ở Bình Giã, địch buộc sử dụng Chi đoàn 3 của Thiết đoàn 1 cơ động giải tỏa đường số 2 từ Bà Rịa lên Đức Thạnh. Khi địch quay về, Trung đoàn 762 cơ động chặn đầu khóa đuôi, hình thành thế bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch. Được pháo binh, máy bay chi viện đắc lực, địch chống trả quyết liệt. Sau gần 1 giờ chiến đấu kiên cường, ta tiêu diệt gọn Chi đoàn thiết giáp số 3, phá hủy 14 xe M.113, tiêu diệt 107 tên địch. Trận then chốt đầu tiên của chiến dịch thắng lợi giòn giã.

Vào đợt 2 chiến dịch, đêm 27/12, Bộ Tư lệnh Miền sử dụng 2 đại đội của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 761 và Đại đội 445 đánh chiếm, chốt giữ ấp Bình Giã, buộc địch giải tỏa để tiêu diệt địch ngoài công sự. Nhận định địch sẽ đổ quân bằng máy bay lên thẳng để ứng cứu, Trung đoàn Q761 bố trí đội hình, tập trung hỏa lực và một bộ phận của Đại đội 2 ở Đông Bắc ấp để khống chế, buộc địch phải đổ bộ ở Đông Nam ấp, nơi ta có điều kiện tiêu diệt địch.

Đúng như dự kiến, sáng 28/12, địch tiến hành trinh sát và dọn bãi đổ bộ. Trực thăng đổ Tiểu đoàn 30 biệt động quân xuống Tây Nam Đức Thạnh, hình thành ba mũi tiến công vào ấp Bình Giã. Bị chặn đánh quyết liệt, địch bỏ chạy về La Vân. Trưa cùng ngày, địch dùng máy bay trực thăng vũ trang hộ tống 50 máy bay chở quân đưa Tiểu đoàn biệt động quân 33 từ Biên Hòa lên.

Lúc đầu, địch tổ chức đổ bộ xuống Đông Bắc ấp nhưng bị hỏa lực của ta khống chế mạnh, bắn rơi 5 máy bay trực thăng chở quân, buộc chúng phải thay đổi ý định chuyển sang đổ bộ xuống cánh đồng trũng ở Đông Nam ấp. Lực lượng chủ yếu địch vừa tiếp đất thì bộ đội xuất kích bao vây khi địch chưa kịp triển khai đội hình, chia cắt, đẩy địch vào thế bất lợi. Đến 18 giờ cùng ngày, quân ta tiêu diệt hầu hết Tiểu đoàn 33, bắn rơi 11 máy bay lên thẳng.

Ngày 30/12, địch cho 30 máy bay chở Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến đổ xuống Đông Nam ấp La Vân. Lúc 18 giờ, ta bắn rơi 1 máy bay trực thăng ở Quảng Giao. Nhận định địch có khả năng tìm kiếm lính Mỹ và đồng bọn gặp nạn, Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ thị Trung đoàn 761 tổ chức phục kích.

Đúng như dự kiến, 14 giờ 30 phút ngày 31/12, Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến của địch cơ động đến Quảng Giao. Khi địch cơ động vào khu vực mà Trung đoàn 761 dự kiến, theo kế hoạch, Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ dụ địch vào sâu trong rừng cao su Xuân Sơn. Các đơn vị theo hiệp đồng nhanh chóng tiếp cận, hình thành thế bao vây, chốt chặn, áp sát hai bên sườn tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến, hoàn thành trận then chốt thứ ba của chiến dịch. Ngày 3/1/1965, chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi.

Bước lớn mạnh của chủ lực Miền

Sau chiến thắng Bình Giã, lực lượng chủ lực Miền có bước phát triển mới. Ngoài Trung đoàn 761 và 762, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Trung đoàn 3 trên cơ sở trung đoàn của Quân khu 9 được điều về Miền. Quân khu 9 thành lập một trung đoàn mới thay thế cho trung đoàn đã chuyển đi. Quân khu 7 cũng thành lập trung đoàn chủ lực đầu tiên lấy phiên hiệu là Trung đoàn 4. Quân khu Sài Gòn - Gia Định thành lập một đoàn biệt động, lấy phiên hiệu là Đoàn F100 gồm 9 đội biệt động. Quân khu 8 thành lập trung đoàn đầu tiên và tích cực chuẩn bị thành lập trung đoàn thứ hai. Các đơn vị cấp tỉnh, huyện được điều chỉnh về tổ chức, phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng

Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân giải phóng trên chiến trường miền Nam, chứng minh sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến, trình độ kỹ chiến thuật của quân chủ lực Miền. Chiến dịch góp phần hoàn thiện cách đánh cấp trung đoàn trong đội hình chiến dịch.

Các đơn vị bộ đội chủ lực vận dụng linh hoạt hình thức tác chiến, chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch. Bộ đội chủ lực có thêm nhiều kinh nghiệm tác chiến, phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương chuyển lên hoạt động rộng khắp và mạnh hơn.

Chiến thắng Bình Giã chứng minh sự cần thiết phải gấp rút xây dựng chủ lực Miền thành những “quả đấm” mạnh nhằm thay đổi nhanh chóng tương quan lực lượng giữa ta và địch có lợi cho ta tiến lên giành toàn thắng.

MẠNH QUÂN

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Chiến dịch Bình Giã- một mốc lịch sử đáng ghi nhớ;
50 năm chiến dịch Bình Giã- Thắng lợi và bài học lịch sử (2/12/1964 - 2/12/2014).

;
.