Phát triển xanh là xu hướng tất yếu, cần sự tham gia của toàn xã hội

Thứ Tư, 02/10/2024, 17:21 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ trì Phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) vào sáng 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư để phát triển xanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhất là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC)...

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới và việc ứng phó với biến đổi khí hậu vì phát triển xanh, ít phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược của nhân loại.

Điểm lại tình hình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng cho rằng, nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân được nâng lên và đã vào cuộc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về “0” theo đúng cam kết, đặc biệt có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và sự tham gia tích cực trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược; việc đưa ra cam kết COP26, tham gia Tuyên bố JETP là chủ trương đúng đắn, là cơ hội để Việt Nam phát triển.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới phải tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực toàn xã hội, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài nhà nước cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

LAN ĐỨC

;
.