Nhớ về người Bí thư đầu tiên của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo

Thứ Hai, 14/10/2024, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.

20h36, ngày 12/10/2024, trái tim của người đảng viên 80 năm tuổi Đảng Lê Quang Thành đã ngừng đập. Ông là cán bộ Tiền khởi nghĩa, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo. Ông là bí thư đầu tiên của Đặc khu.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tuấn Minh (trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông Lê Quang Thành (tháng 1/2024). Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Tuấn Minh (trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông Lê Quang Thành (tháng 1/2024). Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn trân trọng những đóng góp to lớn của ông với sự phát triển của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trước đây và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.

Sống, chiến đấu 

Ông Lê Quang Thành (tên thật là Đoàn Văn Tý, bí danh Đoàn Hồng Đoàn), sinh ngày 10/4/1924, tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Từ năm 1938 đến 1942, ông là học sinh Trường Collège de My Tho, nơi ông thi đỗ Bằng Thành chung. Ông bắt đầu tham gia phong trào cách mạng từ tháng 5/1945 và chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 19/8/1946.

Qua nhiều năm hoạt động cách mạng, ông đã đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng, từ Bí thư Chi bộ, Tỉnh đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho, đến các vị trí lãnh đạo trong tổ chức Đoàn Thanh niên và nhiều chức vụ cấp cao trong Đảng. Sau đó, ông được cử đi học tại Liên Xô, và khi trở về, ông tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ trọng yếu trong Trung ương Đoàn và nhiều cơ quan khác.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Lê Quang Thành đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo công tác tuyên huấn tại Khu ủy Đông Nam Bộ, tham gia vào quá trình giải phóng miền Nam. Ông đã phối hợp chặt chẽ với các lãnh đạo địa phương để đảm bảo thắng lợi của chiến dịch, góp phần vào sự giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai.

Ông Lê Quang Thành (giữa) tặng cuốn tự truyện “Lê Quang Thành - Một đời nghĩa nặng tình sâu” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, tháng 9/2017. Ảnh: BÙI HƯƠNG
Ông Lê Quang Thành (giữa) tặng cuốn tự truyện “Lê Quang Thành - Một đời nghĩa nặng tình sâu” cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, tháng 9/2017. Ảnh: BÙI HƯƠNG

Phối hợp tìm nguồn “vàng đen” của Tổ quốc

Ngày 30/5/1979, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VI đã quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đặc khu bao gồm TX.Vũng Tàu, xã Long Sơn (tách từ tỉnh Đồng Nai), huyện Côn Đảo (tách từ tỉnh Hậu Giang). Đặc khu được Đảng và Chính phủ giao cho 4 nhiệm vụ chính, trong đó có: Đảm bảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trung tâm về công tác dịch vụ phục vụ kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, chuẩn bị khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta.

Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu nhớ lại, ông Lê Quang Thành đã đi học ở Liên Xô nên rất giỏi tiếng Nga. Do đó, Trung ương quyết định điều động ông về làm Bí thư Đặc khu ủy.

Theo lời kể của ông Lê Quang Thành, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng bộ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, kèm danh sách nhân sự Đặc khu ủy lâm thời do Trung ương chỉ định gồm 27 ủy viên trong đó có 9 ủy viên thường vụ.

Khi bộ máy lãnh đạo Đặc khu bắt đầu vận hành, Ban Thường vụ Đặc khu ủy vừa tập trung sức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ dầu khí, vừa có kế hoach cấp bách ổn định tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội cho đặc khu.

Ông Lê Quang Thành đã chỉ đạo Ban tuyên giáo Đặc khu ủy lập và thực hiện chương trình kế hoạch tuyên truyền giáo dục Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập đặc khu, việc hợp tác với Liên Xô thăm dò và khai thác dầu khí, tạo một sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và toàn dân, tích cực phục vụ dầu khí.

Tại Đại hội lần thứ I của Đảng bộ Đặc khu, ông Lê Quang Thành được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy. Tháng 7/1982, ông Phạm Văn Hy được Trung ương Đảng điều động về nhận nhiệm vụ Bí thư Đặc khu ủy, ông sang làm Chủ tịch UBND Đặc khu. Đến tháng 10/1984 Trung ương Đảng quyết định điều chuyển ông Phạm Văn Hy về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam, ông Lê Quang Thành trở lại làm Bí thư Đặc khu ủy đến năm 1991 khi thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến tháng 7/1992, ông nghỉ hưu.

Trong quá trình làm Bí thư, Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, ông Lê Quang Thành có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đặc khu, đặc biệt là trong phát triển ngành dầu khí.

Năm 1982, Bộ Ngoại giao Liên Xô chính thức bổ nhiệm ông Anatoli Vasilievitch Firsov là Tổng Lãnh sự chính thức tại Vũng Tàu. Sau khi được bổ nhiệm, ông Anatoli Vasilievitch Firsov đến Vũng Tàu trình ủy nhiệm thư của Bộ Ngoại giao Liên Xô lên ông Lê Quang Thành, Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và đến chào ông Phạm Văn Hy, Bí thư Đặc khu ủy.

Kể từ đó, công tác đối ngoại của Đặc khu với Tổng Lãnh sự quán Liên Xô phối hợp đã hỗ trợ rất nhiều cho Liên doanh Dầu khí Việt - Xô trong công tác quản lý 5.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân và gia đình người Liên Xô trong xí nghiệp, bảo đảm mọi sinh hoạt và quyền lợi cả tinh thần vật chất cho các công dân Liên Xô để họ yên tâm, nỗ lực công tác trong lĩnh vực Dầu khí. Năm 1985, giàn khoan số 1 của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô khai thác được tấn dầu đầu tiên ở thềm lục địa phía Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Không chỉ Đảng, chính quyền nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô phấn khởi mà tin vui này là tin vui cho cả Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Nhân dân ta. Nguồn “vàng đen” của Tổ quốc được khai thác để làm giàu cho đất nước, trong thành công của ngành dầu khí, có sự đóng góp công sức của ông Lê Quang Thành.

NGỌC NGUYỄN

;
.