KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cần quy định tiêu chuẩn người giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập

Thứ Tư, 23/10/2024, 17:31 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 23/10, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Di sản văn hóa.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ

Quy định rõ cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng

Góp ý về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo Luật Tư pháp, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, chưa bao hàm đầy đủ các nội dung đang quy định trong dự thảo luật về “trách nhiệm của gia đình người chưa thành niên”, việc “thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”, “trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên”. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung để đảm bảo đầy đủ và đồng bộ với các nội dung trong dự thảo luật.

Về quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, đại biểu Dương Tấn Quân viện dẫn khoản 1 Điều 60 quy định: “Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được kế hoạch xử lý chuyển hướng, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, thẩm phán ra quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng” để đưa ra nhận định rằng, quy định này không rõ cơ quan nào sẽ ra quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng, có thể dẫn đến việc áp dụng theo nhận thức chủ quan, không thống nhất. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể  hơn.

Về xem xét việc áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng tại khoản 1 Điều 56, đại biểu Quân phân tích nếu quy định như nội dung dự thảo, thì có thể hiểu là cả 3 cơ quan là: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều phải ra thông báo áp dụng hoặc không áp dụng thủ tục xử lý chuyển hướng căn cứ vào quy định tại các điều 36, 38, 39 và 40 của luật này.

Từ đó, đại biểu đưa ra câu hỏi nếu trong trường hợp cả 3 cơ quan tố tụng trên ra quyết định áp dụng thủ tục xử lý khác nhau thì xử lý như thế nào? Cơ quan nào chủ trì giải quyết và đề nghị Ban soạn thảo cần quy định thống nhất.

Về trách nhiệm của người được chỉ định giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng, đại biểu cho biết dự thảo luật chưa quy định cơ quan hay tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền chỉ định người giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng, cũng như chưa quy định điều kiện, tiêu chuẩn của người này như thế nào, thời gian giúp đỡ bao lâu, có quyền và lợi ích gì khi tham gia giúp đỡ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này.

Sửa loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian thành nghệ thuật diễn xướng

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo luật.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm của dự thảo luật, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung hành vi “Xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích” để luật hóa nội dung này tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Đại biểu Phúc cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung: Quy định việc sử dụng, phát huy giá trị di tích là tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết vào Điều 91 về sử dụng, khai thác di sản văn hóa của dự thảo luật. Đồng thời bổ sung vào Điều 98 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan thuộc phạm vi của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về các nội dung có tác động đến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu viện dẫn Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đề cập việc đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 10 dự thảo luật theo hướng sửa loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian thành nghệ thuật diễn xướng nhằm đảm bảo tính bao quát và đầy đủ đối tượng nhưng hiện tại dự thảo vẫn chưa chỉnh lý, tiếp thu ý kiến này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần rà soát quy định phân chia loại hình, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể hoặc Việt Nam có cách phân chia loại hình, lĩnh vực khác biệt cần nên làm rõ để tránh bất cập về sau.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

 
;
.