Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8, ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng, hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2024 với nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Ước cả năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu (một chỉ tiêu xấp xỉ đạt), trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8-7% - một con số vượt mong đợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
“Có những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo và linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cùng sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, toàn quân và Nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Yến đánh giá.
Bên cạnh những kết quả tích cực, nền kinh tế vẫn tồn tại một số hạn chế, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024, cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025…
Sớm ban hành thể chế phát triển liên kết vùng
Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế và căn cứ vào tình hình thực tế, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Về giải pháp đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, những rủi ro, thách thức từ tình hình thế giới vẫn hiện hữu và tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 cần thời gian để khắc phục. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát tình hình, dự báo kịp thời, từ sớm, từ xa để điều chỉnh giải pháp nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách. Nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Ủng hộ chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Tại thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đại biểu, việc Chính phủ chủ động trình chủ trương điều chỉnh là hợp lý và kịp thời để đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình.
Để chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia đạt được hiệu quả cao, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị, Chính phủ, Bộ TN-MT quan tâm một số nội dung trong đó có tăng cường tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng. Chính phủ cần công khai các bước thực hiện và các số liệu liên quan để người dân có thể giám sát. Điều này không chỉ tạo lòng tin mà còn giúp huy động sự đóng góp ý kiến và phản hồi từ phía địa phương.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Yến phân tích, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch COVID-19 và chưa bền vững. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa trong việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống như: xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng; khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng. Đồng thời, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như: giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ người dân, DN và các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Về thể chế cho các động lực tăng trưởng mới, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, vẫn còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển, đặc biệt là thể chế cho phát triển liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư - kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai các luật đã có hiệu lực, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Giao dịch điện tử. Sớm ban hành khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU