Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ thành lập. Ảnh: Tư liệu |
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Chấp hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ ngày 25/12/1944). Đồng thời, sáng hôm sau (7 giờ ngày 26/12/1944), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Tháng 3/1945, Trung ương Đảng họp mở rộng và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các LLVT cả nước (Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác...) thành Việt Nam Giải phóng quân. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thương, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh LLVT thống nhất, mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT cùng các tầng lớp Nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa của Nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam, với ý nghĩa một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc.
LLVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra đời sau Cách mạng tháng Tám 1945, là đội quân từ nhân dân mà ra, được kế thừa truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Đầu tháng 3/1946, hội nghị cán bộ tỉnh Bà Rịa được tổ chức tại xã Long Mỹ bàn về các chủ trương xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền. Hội nghị thống nhất công nhận đội du kích thành lập tại xã Long Phước là đội quân chủ lực của tỉnh và đặt tên là Đội du kích Quang Trung, tiền thân của LLVT tỉnh BR-VT. Ngày 9/3/1946, Đội du kích Quang Trung tổ chức tuyên thệ tại rừng Long Tân rồi xuất quân đánh thắng trận đầu, chiếm đồn Xà Bang, sau đó tiếp tục đánh đồn Long Hải, phục kích chặn đánh địch ở xã Tam Phước. Đội du kích Quang Trung, dưới sự lãnh đạo của Đảng sau đó phát triển thành LLVT tập trung Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày hội quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn nhân dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sức mạnh chiến đấu. Phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
TRÚC GIANG
Bài viết có sử dụng tài liệu Lịch sử Việt Nam; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.