Chọn đúng điểm "khêu ngòi", "điều địch" và sáng tạo nhiều cách đánh phù hợp với điều kiện và khả năng tác chiến để giành quyền chủ động đã giúp quân và dân ta chiến thắng vang dội trong Chiến dịch Bình Giã.
Tổ hợp chiến dịch Bình Giã tại Bảo tàng tỉnh. |
Thế trận biến hóa linh hoạt
Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam về trình độ tổ chức chỉ huy, chiến thuật, kỹ thuật tác chiến.
Chọn ấp chiến lược Bình Giã làm điểm khêu ngòi, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động tiến công địch trên khắp chiến trường nhằm căng, kéo, thu hút sự chú ý của chúng về hướng khác; nghi binh, giữ bí mật làm cho địch phán đoán sai ý định của ta, thậm chí còn điều quân ra xa Bình Giã. Nhận định chính xác ý đồ tăng viện, ứng cứu, giải tỏa bằng không quân của địch, chủ động có phương án đón lõng đánh máy bay địch, quân đổ bộ.
Chiến dịch diễn ra, quân ta sử dụng 2 đại đội tiến công ấp Bình Giã và tổ chức phòng ngự ở phía Tây của ấp, trụ lại để “nhử địch”. Địch sử dụng Tiểu đoàn biệt động quân số 30 đổ bộ xuống Tây Nam chi khu Đức Thạnh, nhằm tái chiếm Bình Giã. Trên đường hành quân giải tỏa, lực lượng này đã bị quân ta chặn đánh buộc phải lùi về ấp La Vân. Địch điên cuồng đưa Tiểu đoàn 33 biệt động quân từ Biên Hòa lên tăng viện ứng cứu giải tỏa cho Bình Giã. Bộ Chỉ huy chiến dịch nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ tổ chức các trận địa “đón lõng”, bắn rơi 12 máy bay. Buộc địch chuyển hướng đổ quân xuống đông nam Bình Giã - nơi trận địa phục kích của Trung đoàn 761 chờ sẵn. Kết quả, Tiểu đoàn 33 biệt động quân bị tiêu diệt gọn.
Nhận định địch có thể huy động lực lượng tổng dự bị, Trung đoàn 761 cơ động về Quảng Giáo (Nam Xuân Sơn) tổ chức trận địa phục kích sẵn. Ngày 30/12/1964, địch cho 40 máy bay lên thẳng đổ Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến xuống đông nam ấp La Vân. Bộ đội ta bắn rơi một máy bay lên thẳng tại Quảng Giao, dụ địch vào sâu trong lô cao su, chia cắt và diệt gọn Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến ở khu vực máy bay rơi.
Trong “Chiến dịch Bình Giã - một cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ”, Trung tướng Lê Xuân Lưu, nguyên Phó Chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị chiến dịch Bình Giã phân tích: Bình Giã là điểm châm ngòi nhạy nhất. Tiến công Bình Giã kết hợp với pháo kích chi khu Đức Thạnh, quân ta nhiều lần điều được viện binh của địch để đánh. Ngoài sử dụng biệt động quân, bảo an, địch còn cho 1 chi đoàn thiết giáp đi giải tỏa. Lần sau chúng đổ tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến và sau khi tiểu đoàn này bị tiêu diệt chúng còn đổ xuống tiếp 1 chi đoàn dù. Trong bước khuyếch trương thắng lợi của chiến dịch ta cũng đánh 1 ấp chiến lược ở Bình Tuy và điều được 1 chiến đoàn bảo an chi viện.
Về mặt chiến thuật, nổi lên là cách đánh cơ giới địch đi giải tỏa và quân đổ bộ đường không. Chặn đầu, khóa đuôi, giữ chặt đội hình cơ giới của địch trong đội hình bố trí của ta, bám sát, chia cắt đội hình địch để tiêu diệt.
Tương tự, Trung tướng Đỗ Quang Hưng, Quyền Tư lệnh Quân khu 7 phân tích trong tham luận “Một số ý kiến về việc nghiên cứu Chiến dịch Bình Giã”, cho rằng: Quân ta sử dụng nghệ thuật khơi ngòi, gài thế, sáng tạo nhiều cách đánh phù hợp với điều kiện và khả năng tác chiến để giành quyền chủ động. Chiến dịch từ vây ấp cầu viện đến pháo binh tấn công chi khu để kéo viện, buộc địch bị động đối phó, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, vận động phục kích và vận động tấn công; tập kích đánh địch trong công sự và trong ấp chiến lược; nâng cao hiệu suất tác chiến đánh bồi đánh nhồi, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch trên phạm vi chiến dịch. Sự phát triển các bước chiến dịch diễn ra theo phạm vi yêu cầu và có trận đánh then chốt quyết định thắng lợi của từng bước. Bước cuối cùng phát triển thắng lợi bằng việc mở rộng địa bàn căn cứ từ T1 đến T6 và bến tiếp thu chi viện đường biển của miền Bắc.
Còn cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, nhìn nhận trong “Bình Giã - Chiến dịch đầu tiên - chiến dịch quyết định”: Đề ra đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị địch nhằm vào quân biệt động, quân dù và thủy quân lục chiến ngụy, vào thiết giáp và trực thăng Mỹ là chính xác theo yêu cầu của chiến dịch chiến lược. Khi địch kéo tới đông, phía ta chủ động kết thúc chiến dịch đúng lúc và chia thành 2 hướng phát triển thắng lợi của chiến dịch cũng là phân tán lực lượng hành quân về căn cứ khiến cho địch lúng túng không biết phải phản kích hay truy kích ở đâu và ta an toàn giữ vững những thắng lợi đạt được.
Phối hợp tác chiến tuyệt diệu
Về khía cạnh tổ chức và chỉ huy chiến dịch, PGS-PTS Huỳnh Nghĩ, Phó Viện trưởng Học viện Lục Quân trong tham luận tại Hội thảo khoa học 30 năm chiến thắng Bình Giã, nhận định: Nghệ thuật tổ chức và chỉ huy chiến dịch Bình Giã thông minh và sắc sảo. Quân ta làm ở chiến dịch tiến công khi chưa có tổ chức sư đoàn, quân đoàn mà chỉ có các trung đoàn. Chỉ với 2 trung đoàn chủ lực và các tiểu đoàn binh chủng mà ta đã tiến hành thắng lợi 1 chiến dịch tiến công với 1 tổng thể các trận đánh liên kết với nhau. Trong đó, có trận then chốt, diễn ra trên không gian rộng và thời gian dài, đạt hiệu quả cao. Trong tổ chức chuẩn bị, xác định đúng địa bàn, mục tiêu, cách đánh và phân chia lực lượng hợp lý.
Chiến thắng Bình Giã là mô hình mẫu mực về sự phối hợp tác chiến giữa các đơn vị quân chủ lực và quân, dân địa phương. Các đòn tiến công quân sự phối hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng mang lại hiệu quả lớn cho chiến dịch.
Trong suốt quá trình chiến dịch, quân ta luôn giữ được bí mật tuyệt đối. Chủ lực hành quân từ xa vẫn an toàn, địch không hay biết nhờ tổ chức chu đáo và hành quân nhiều hướng, đánh lạc hướng địch.
Tổ chức bảo đảm hậu cần cho chiến dịch theo phương thức giữa hậu cần chiến dịch với hậu cần nhân dân đã giải quyết được vấn đề khó nhất của chiến dịch. Gần 1.000 tấn lương thực và vũ khí bảo đảm cho chiến dịch năm 1964, ở một vùng còn khó khăn, trở thành cuộc vận động cách mạng sôi nổi của nhân dân.
Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước phát triển hoàn chỉnh nghệ thuật quân sự của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Nam Bộ với sự xuất hiện đầy đủ cả ba khâu: chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
MẠNH QUÂN
* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Đức (1930 - 2015); Chiến dịch Bình Giã - một mốc lịch sử đáng ghi nhớ.