Đồng bào dân tộc thiểu số đã gần hơn và giàu có hơn
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã dành nguồn lực lớn chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, giao thông đi lại thuận tiện, đời sống đồng bào thay đổi mạnh mẽ, tình đoàn kết dân tộc được thắt chặt, gắn bó; niềm tin với Đảng, với Chính quyền không ngừng được củng cố.
Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu trao sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số khó khăn, vào tháng 5/2024. |
Giảm nghèo nhanh, bền vững Các chính sách hỗ trợ như xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà vệ sinh và hỗ trợ vay vốn đã giúp đồng bào DTTS tự tin tăng gia sản xuất. Từ 685 hộ DTTS nghèo vào đầu năm 2019, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 78 hộ vào cuối năm 2023, chỉ chiếm 0,96% tổng số hộ DTTS. (Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh) |
Hạ tầng khang trang, đổi mới diện mạo
Tại huyện Xuyên Mộc, đời sống vùng đồng bào DTTS thay đổi rõ nét trong những năm qua. Nhiều con đường đất ở Tân Rú, Tân Trung (xã Phước Tân), Bàu Hàm (xã Tân Lâm)... đã được thay thế bằng đường bê tông hoặc đường nhựa.
Ông Lý Văn Thành (người dân tộc Châu Ro, xã Bàu Lâm), chia sẻ: “Trước đây, ở đây chỉ có đường đất, rất khó đi và không có điện. Giờ đây, đường sá đã được mở rộng, điện và nước sạch về tận nhà. Tôi rất mừng!”
Đây chính là thành quả của sự quan tâm từ Đảng bộ và chính quyền huyện Xuyên Mộc trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 455 tỷ đồng cho 35 công trình giao thông, cùng hàng chục công trình thủy lợi và điện hạ thế phục vụ nhu cầu của người dân.
CLB văn nghệ Châu Ro của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tập luyện các điệu múa truyền thống của dân tộc Châu Ro trong một lần sinh hoạt ngoài giờ. |
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc, cho biết: “Các đề án và chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS triển khai tại địa phương đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đặc biệt là hạ tầng giao thông, giúp người dân thuận lợi hơn trong giao thương và phát triển kinh tế”.
Huyện Châu Đức cũng đầu tư hạ tầng cho vùng DTTS với tổng kinh phí hơn 207 tỷ đồng trong 5 năm qua. Huyện đã xây dựng 42 công trình đường giao thông nông thôn, 27 công trình điện hạ thế và 6 công trình nước sạch. Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản, cho biết: “Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của đồng bào DTTS”.
Một con đường vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc được Nhà nước đầu tư khang trang. |
Tương tự, tại TX.Phú Mỹ, từ năm 2019 đến nay, thị xã đã đầu tư 14 công trình giao thông nông thôn, 3 công trình điện hạ thế và 12 công trình nước sinh hoạt, tổng giá trị gần 56 tỷ đồng. Những công trình này không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí ngân sách hơn 678,7 tỷ đồng cho 169 công trình hạ tầng, bao gồm đường giao thông, điện hạ thế, nước sạch sinh hoạt và thủy lợi; tạo động lực lớn cho sự phát triển của vùng đồng bào DTTS, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Công trình điện hạ thế được Nhà nước đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đất Đỏ. |
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Đồng bào DTTS tại Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm gần 3% dân số tỉnh, với 33.856 người thuộc 38 thành phần dân tộc. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS được tỉnh đặc biệt quan tâm, với hơn 558 triệu đồng dành cho các lễ hội truyền thống và tết cổ truyền. |
Hỗ trợ thiết thực, tạo sinh kế bền vững
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, UBND tỉnh còn bố trí hơn 102,6 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho các nhu cầu cấp thiết của đồng bào DTTS trong 5 năm qua. Chính sách hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, lắp đặt điện và nước sinh hoạt, cũng như hỗ trợ Tết cho hộ DTTS nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực. Riêng trong phát triển sản xuất, tỉnh đã bố trí gần 18 tỷ đồng để hỗ trợ 3.517 hộ DTTS, đồng thời tổ chức 43 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân.
Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, khẳng định: “Các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách đặc thù của tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Những công trình giao thông, thủy lợi, điện nước, y tế và văn hóa được đầu tư đồng bộ đã giúp đồng bào có nơi an cư, việc làm, và nâng cao thu nhập”.
Bài, ảnh: THI PHONG