Tiếp tục chương trình thảo luận tại Tổ đại biểu vào sáng 26/10; tham gia phát biểu thảo luận về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và chủ trương bổ sung vốn cho Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB). Ảnh: CHÂU VŨ |
Cần công khai các bước thực hiện và các số liệu liên quan để người dân có thể giám sát
Về sự cần thiết của điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Yến cho biết, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hiện tại cần được rà soát và điều chỉnh nhằm phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đang thay đổi.
Do đó, đại biểu nhận thấy việc Chính phủ chủ động trình chủ trương điều chỉnh là hợp lý và kịp thời để đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình.
Đánh giá tính khoa học và thực tiễn trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Yến ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ khi trình hồ sơ, với các báo cáo đã được cập nhật và thẩm định từ các cơ quan chức năng. Song đại biểu cho biết, cũng đồng tình với nhận xét của Ủy ban Kinh tế rằng một số số liệu cần được cập nhật thêm để phản ánh chính xác hiện trạng, vì Chính phủ mới cập nhật đến 31/12/2023 là chưa đầy đủ.
Đối với các chỉ tiêu phân bổ đất đai, đại biểu Yến cho rằng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phân bổ hợp lý giữa đất nông nghiệp, công nghiệp và các loại đất khác nhằm bảo đảm không gian phát triển bền vững cho mọi ngành nghề. Đặc biệt, cần có sự quan tâm đặc biệt đến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất dành cho phát triển hạ tầng giao thông.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét kỹ lưỡng việc bảo vệ quỹ đất trồng lúa và độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế của nông dân, cũng như bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, để chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia đạt được hiệu quả cao, đại biểu Yến kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường quan tâm một số nội dung như:
(i). Tăng cường tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng, Chính phủ cần công khai các bước thực hiện và các số liệu liên quan để người dân có thể giám sát. Điều này không chỉ tạo lòng tin mà còn giúp huy động sự đóng góp ý kiến và phản hồi từ phía địa phương;
(ii). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đất đai; việc áp dụng các công nghệ hiện đại như bản đồ số, hệ thống thông tin địa lý (GIS) sẽ giúp theo dõi, giám sát và quản lý hiệu quả quỹ đất quốc gia. Qua đó, có thể giảm thiểu sai sót, thất thoát tài nguyên và đảm bảo tính chính xác trong quy hoạch;
(iii). Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương, để trong điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất được đồng bộ và hiệu quả. Chính phủ cần có cơ chế rõ ràng để đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng chồng chéo trong triển khai thực hiện, trong quản lý quy hoạch, gây lãng phí tài nguyên;
(iv). Quan tâm đặc biệt đến các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: Các vùng đồng bằng ven biển, miền núi hay vùng dễ bị tác động từ thiên tai cần được đặc biệt chú ý trong quy hoạch. Đề nghị Chính phủ có những biện pháp ưu tiên để vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân tại những khu vực này.
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ |
Bổ sung vốn nhà nước tại VCB là cần thiết
Tham gia thảo luận về Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến nhận định việc Quốc hội xem xét đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) là một chủ trương cần thiết và kịp thời, nhằm nâng cao năng lực tài chính của VCB - một trong những ngân hàng thương mại chủ lực của quốc gia, để hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Đại biểu Yến thống nhất với đề xuất của Chính phủ về bổ sung 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận tích lũy, nhằm tăng vốn điều lệ của VCB lên 83.557 tỷ đồng, từ đó giúp VCB nâng cao năng lực tài chính, chủ động đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án lớn, đảm bảo an ninh tài chính và hỗ trợ tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả và thực sự mang lại lợi ích bền vững cho nền kinh tế, đại biểu Yến đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và VCB cần thực hiện tốt các nội dung sau:
(i). VCB cần trình bày một lộ trình cụ thể về kế hoạch sử dụng vốn, bao gồm mục tiêu cụ thể nào. Các mục tiêu này cần được công bố công khai để Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân có thể theo dõi, đánh giá hiệu quả. Đồng thời, cần cam kết duy trì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng an toàn, ưu tiên các dự án phát triển bền vững và các lĩnh vực trọng yếu mà nền kinh tế đang cần hỗ trợ. Đại biểu đề nghị Chính phủ yêu cầu VCB báo cáo định kỳ về tiến độ sử dụng vốn, minh bạch trong các chỉ tiêu tài chính, các khoản đầu tư và các biện pháp xử lý rủi ro. Điều này đảm bảo cho Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thể giám sát chặt chẽ việc thực hiện và nên mời các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra quá trình sử dụng vốn bổ sung để đảm bảo tính minh bạch và tránh các rủi ro phát sinh;
(ii). Cải tiến hệ thống quản trị rủi ro, đảm bảo VCB tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản theo Basel III, tập trung vào kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát đối với VCB về việc duy trì các tỷ lệ an toàn vốn. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát nội bộ, giám sát giao dịch và tín dụng để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường. Phát triển các hệ thống quản lý dữ liệu khách hàng nhằm theo dõi, phân tích lịch sử tín dụng và dự báo khả năng rủi ro của các khoản vay;
(iii). VCB cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ít rủi ro, ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án quan trọng quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt, các ngành chủ lực. Đảm bảo khoản vay trong các ngành này được xem xét và thẩm định kỹ lưỡng, tránh mở rộng tín dụng cho các lĩnh vực có nguy cơ cao hoặc thị trường không ổn định; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản vay lớn và phức tạp. Đối với các dự án có nhu cầu vốn lớn hoặc thời gian hoàn vốn dài, VCB cần thực hiện giám sát đặc biệt và yêu cầu các biện pháp bảo đảm phù hợp như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng hoặc tái thẩm định định kỳ;
(iv). VCB cần đẩy mạnh thu hồi nợ ngoại bảng, xử lý các khoản nợ xấu, tập trung vào các khoản nợ lớn. Định kỳ đánh giá lại toàn bộ danh mục tín dụng để nhận diện các khoản vay có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn tài chính.
CHÂU VŨ - PHÚC LƯU
(Từ Hà Nội)