Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia

Thứ Tư, 30/10/2024, 10:55 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ đối với Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Tổ thảo luận số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 4.

Tham gia thảo luận, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy quân chủng Hải Quân Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi các luật nói trên. Theo đại biểu việc sửa đổi không chỉ giúp tăng cường phân quyền, tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt hơn mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ

* Góp ý đối với sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch:

Về điều chỉnh mối quan hệ giữa các loại quy hoạch (Khoản 1, Điều 5,  Điều 6), Đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các loại quy hoạch đặc thù như quy hoạch công nghiệp dược, quy hoạch du lịch nhằm đáp ứng đúng nhu cầu và đặc điểm phát triển của từng ngành.

Về chi phí cho hoạt động quy hoạch (Khoản 4, Điều 9), Dự thảo Luật cho phép sử dụng ngân sách chi thường xuyên để tài trợ cho các hoạt động quy hoạch trong trường hợp khẩn cấp là một giải pháp thực tế. Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách chi thường xuyên cũng đặt ra thách thức lớn, đặc biệt khi nguồn ngân sách này vốn đã rất hạn chế.

Để tránh lạm dụng, đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có quy định rõ ràng về các điều kiện và trường hợp được phép sử dụng chi thường xuyên cho quy hoạch, đồng thời đảm bảo tính minh bạch bằng cách bổ sung thêm các quy định cụ thể về việc sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác.

* Góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư:

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Điểm d, g1 Khoản 1 Điều 31), đại biểu Yên cho biết việc dự Luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án cảng biển đặc biệt có vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng là hợp lý. Đề xuất này vừa giúp giảm tải cho cấp trung ương, vừa nâng cao tính chủ động của địa phương.

Về thủ tục đầu tư đặc biệt (Bổ sung Điều 36a), Dự thảo bổ sung Điều 36a để quy định thủ tục đầu tư đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đây là điều khoản có tác động lớn, vì sẽ giúp rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc phân cấp này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến lạm quyền hoặc thiếu minh bạch trong quản lý các dự án lớn. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung các tiêu chí xác định dự án được áp dụng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thảo luận. Ảnh: CHÂU VŨ

- Về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư (bổ sung điểm a1 vào khoản 2 Điều 48), Đề xuất bổ sung quy định chấm dứt hoạt động của dự án nếu sau 24 tháng kể từ khi hoàn thành, dự án không đạt được các mục tiêu đầu tư. Quy định này giúp loại bỏ các dự án chậm tiến độ hoặc không hiệu quả, nhưng theo đại biểu Yên cần có quy định rõ hơn với các dự án đã đầu tư hoàn thành một phần hoặc gặp các yếu tố khách quan như chính sách thay đổi hoặc sự cố bất khả kháng. Việc quy định rõ các tình huống này sẽ giúp tạo điều kiện cho nhà đầu tư duy trì dự án trong những trường hợp khó khăn ngoài ý muốn.

* Góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP):

Về Lĩnh vực và quy mô đầu tư PPP (Khoản 2, Điều 4 Luật PPP), đại biểu Yên nhận thấy việc mở rộng các lĩnh vực PPP và giảm quy mô vốn đầu tư tối thiểu sẽ tạo điều kiện để nhiều địa phương triển khai dự án công bằng phương thức PPP, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, PPP không chỉ là giải pháp huy động vốn, mà còn là phương thức cần có sự giám sát chặt chẽ vì chi phí đầu tư PPP thường cao hơn đầu tư công trực tiếp, và thường kèm theo các rủi ro liên quan đến chất lượng dịch vụ. "Nếu không quy định rõ lĩnh vực nào thực sự phù hợp để triển khai PPP, chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều dự án không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực", đại biểu Yên nói và đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn dự án PPP, đồng thời thận trọng khi áp dụng trong các lĩnh vực xã hội nhạy cảm như y tế và giáo dục.

Góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu:

Góp ý về Luật Đấu Thầu, đại biểu Yên quan tâm đến nội dung đấu thầu trước để tiết kiệm thời gian triển khai (Điều 42), Đại biểu Yên cho rằng việc cho phép tiến hành đấu thầu trước sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án và tạo sự linh hoạt cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, quy định cho phép chủ đầu tư hủy thầu mà không cần bồi thường nếu dự án không được phê duyệt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của nhà thầu. Quy định này có thể khiến nhiều nhà thầu lo ngại khi tham gia đấu thầu, làm giảm tính cạnh tranh và sự hấp dẫn của dự án. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư khi hủy thầu, cũng như các điều kiện để nhà thầu có thể được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong trường hợp này.

Về quy định mua thuốc để bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện công lập (sửa đổi khoản 2 Điều 55), Dự thảo cho phép mua thuốc trực tiếp nhiều lần cho các cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện công. Đây là quy định nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và đảm bảo cung ứng liên tục. Tuy nhiên, theo đại biểu Yên cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng lợi dụng chính sách mua sắm trực tiếp nhiều lần, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.

Cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc Hội Nguyễn Tâm Hùng thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc Hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu_ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Tham gia phát biểu góp ý tại tổ 4 đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: Việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự là cần thiết, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Những biện pháp thí điểm trong Nghị quyết sẽ hỗ trợ cơ quan tố tụng tăng cường khả năng thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Nghị quyết cũng là bước cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng, tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự trong tương lai.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm tiêu chí về loại tội phạm cụ thể, đặc biệt là các tội phạm kinh tế và tham nhũng có tính nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này giúp định hướng rõ ràng và phù hợp với thực tiễn xử lý các vụ án có quy mô lớn và mức độ ảnh hưởng cao.

Về nguyên tắc thực hiện thí điểm (Điều 2), nguyên tắc thí điểm nêu rõ phải bảo đảm quyền con người, quyền tài sản và tính minh bạch trong xử lý vật chứng, tài sản. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì các biện pháp thí điểm trong Dự thảo Nghị quyết có thể chạm đến quyền lợi cá nhân và tổ chức. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát để tránh lạm dụng quyền trong quá trình thực thi, đảm bảo quyền của các bên liên quan, đồng thời bảo vệ nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong tố tụng.

Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3), đối với  biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là tiền tại Khoản 1, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, dự thảo quy định cho phép cơ quan tố tụng trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự ưu tiên khi đáp ứng đủ điều kiện. Đây là một hướng hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi của bị hại và giảm bớt thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung điều kiện kiểm tra chặt chẽ về tính hợp pháp của khoản tiền để tránh rủi ro lạm dụng, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan khác trong vụ án.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tham gia góp ý với nhiều nội dung của dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết trên.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

;
.