.

Vang vọng lời Bác

Cập nhật: 05:59, 02/09/2024 (GMT+7)

Mùa thu 79 năm về trước, đúng ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn là lời tuyên bố trước quốc dân đồng bào và cả thế giới rằng, từ nay nước Việt Nam trở thành một nước tự do, độc lập, có chủ quyền. Bảy mươi chín năm qua, đất nước ta dù trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng Bản Tuyên ngôn bất hủ ấy vẫn nguyên giá trị và sẽ mãi mãi trường tồn cùng lịch sử.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Từ sáng sớm ngày 2/9, hàng chục vạn người, đại diện cho mọi tầng lớp Nhân dân cả nước đội ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc với những biểu ngữ “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”... nền đỏ, chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Anh rầm rập hướng về quảng trường Ba Đình lịch sử để chờ đón lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập. Cũng thời điểm đó, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác khiến muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội.

Sau lời thăm hỏi mộc mạc, chân tình: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, Bác khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Người chỉ rõ: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Người nhấn mạnh những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm đó bằng cách viện dẫn Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của cách mạng nước Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi”. Rồi Người khẳng định những điều mà nước Mỹ và nước Pháp nêu ra trong tuyên ngôn là: “Những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Bản Tuyên ngôn độc lập đã ca ngợi tinh thần đấu tranh của Nhân dân Việt Nam suốt chặng đường lịch sử gần thế kỷ với tinh thần kiên cường, gan góc từ các phong trào nổi dậy của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám; các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến các cao trào cách mạng của Nhân dân đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đều hướng đến một mục tiêu cao nhất là giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân.

Bằng cách viết khéo léo với lời lẽ kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những tuyên bố bất hủ, tiến bộ của nhân loại, vừa lên án những hành động xâm phạm, áp bức, chà đạp nhân quyền. Qua đó, Người coi Tuyên ngôn độc lập của dân tộc như một thứ vũ khí pháp lý, ngoại giao sắc bén để chống lại kẻ thù, đồng thời mở ra bước đi đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được.

Những lời dặn dò của Bác có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ vai trò của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của Nhân dân. Chính vì vậy, trong di chúc người căn dặn những điều thật bình dị mà vô cùng sâu sắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, về đạo đức cách mạng. Trong rất nhiều việc lớn phải trù liệu trước lúc đi xa, Bác viết: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Do đó bồi dưỡng đạo đức cách mạng gắn liền chống chủ nghĩa cá nhân, mà “những người mắc bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”.

Do sa vào chủ nghĩa cá nhân mà làm ô danh Đảng, tham ô, hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân làm mất tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Nhưng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Bác Hồ cũng đưa ra các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng là tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, nói và làm đi đôi, nêu gương đạo đức cách mạng, xây dựng đạo đức mới đi liền với chống đạo đức lạc hậu, người cách mạng cần luôn luôn tu dưỡng, nâng cao đạo đức suốt đời, có như vậy mới làm tròn vai trò chiến sĩ cách mạng tiền phong của Đảng.

Hơn nữa Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân nên “hễ có người dân Việt Nam đói rét thì Đảng coi như chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9, những người “con Lạc cháu Hồng” của đất Việt dù đang ở trong nước hay ở xa quê hương, chắc chắn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những năm tháng hào hùng và sục sôi khí thế của những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Dù cho năm tháng trôi đi nhưng Tuyên ngôn Độc lập và Di chúc của Bác vẫn mãi mãi trường tồn trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

CHU SĨ LIÊN

.
.
.