Trung tâm C4IR là cam kết được thực hiện hiệu quả, thực tế

Thứ Tư, 25/09/2024, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.Hồ Chí Minh", sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, thực hiện nghi thức khánh thành và ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) TP.Hồ Chí Minh đặt tại Khu công nghệ cao ở TP.Thủ Đức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư TP.Hồ Chí Minh hoạt động theo hình thức kết hợp công-tư với các DN lớn Việt Nam và thành phố tham gia sáng lập.

Trung tâm nằm trong mạng lưới 19 trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và là trung tâm thứ 2 tại Đông Nam Á, qua đó tăng cường hợp tác giữa Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư TP.Hồ Chí Minh với các trung tâm trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá, phù hợp với định hướng quốc gia, xu thế quốc tế.

Đồng thời, Trung tâm góp phần huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và DN áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.Hồ Chí Minh.

Đây là một nội dung, thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab-Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Sau lễ khánh thành và ra mắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành, TP.Hồ Chí Minh, các DN lớn là thành viên sáng lập về định hướng hoạt động của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư TP.Hồ Chí Minh. Đại diện các bộ, ngành và DN cho rằng để trung tâm hoạt động phát huy hiệu quả cần có cơ chế chính ưu việt; đầu tư đào tạo nhân lực; cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng số hiện đại…

Vui mừng trước việc ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư TP.Hồ Chí Minh-thành quả của hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới; đồng thời là dự án hợp tác công-tư tiêu biểu trong lĩnh này tại thành phố, Thủ tướng khẳng định trung tâm ra đời là kết quả của việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.

Cùng với đó, trung tâm ra đời thể hiện sự hội nhập sâu rộng và tham gia của Việt Nam cùng thế giới thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thể hiện vai trò tiên phong của TP.Hồ Chí Minh trong lĩnh vực này, đồng thời thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, niềm tự hào, khát vọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và WEF với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện có hiệu quả thực tế".

Nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành là định hướng chính sách, xây dựng thể chế, trong đó có chính sách ưu tiên phát triển, Thủ tướng yêu cầu TP.Hồ Chí Minh tạo điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế để hoạt động thuận lợi, có kiểm tra, giám sát. Các DN, nhà sáng lập, tiếp tục đầu tư, đảm nhiệm những phần việc trong khả năng thay Nhà nước để trung tâm có điều kiện hoạt động tốt hơn về tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực, quản trị…

Yêu cầu Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư TP.Hồ Chí Minh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, hoạt động sáng tạo, Thủ tướng gửi gắm trung tâm hoạt động với 20 chữ: “Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân”.

LAN ĐỨC

 
;
.