NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Đây là đề nghị của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 23-Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh diễn ra sáng 20/9.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng bà Nguyễn Thị Hải Yến (thứ 3 từ phải qua) và tặng hoa cảm ơn những đóng góp của bà Phạm Thị Tuyết Trinh. |
Tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội
Kỳ họp thứ 23 đã thông qua 17 nghị quyết quan trọng, trong đó 15 nghị quyết với nhiều quyết sách quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, làm cơ sở pháp lý cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao thời gian tới. Trong đó có các nội dung rất quan trọng được dư luận và Nhân dân trong tỉnh quan tâm; 2 nghị quyết về công tác nhân sự.
Cụ thể, Nghị quyết quy định chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho thôn, ấp, khu phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh tại Kỳ họp này với tổng kinh phí thực hiện hàng năm dự kiến khoảng 112 tỷ đồng.
Trước đó, nhằm hoàn thiện và tạo sự thống nhất, đồng bộ, công bằng trong việc triển khai thực hiện Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 8 Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư; UBND tỉnh đã thực hiện rà soát, thống kê các tổ chức được thành lập và hoạt động tại 503 thôn, ấp, khu phố, khu dân cư. Trên cơ sở đó đánh giá mức độ tham gia hoạt động thường xuyên của các chức danh ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư cũng như kinh phí cần thiết để đảm bảo cho các hoạt động của thôn, ấp, khu phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành.
Việc ban hành Nghị quyết này nhằm tiếp tục động viên kịp thời các chức danh hoạt động thường xuyên ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và cộng đồng tự quản ở dân cư cho sự phát triển chung của tỉnh.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách tỉnh với tổng số nguồn vốn điều chỉnh, phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2024 lần này là 1.092,2 tỷ đồng. Trong đó thực hiện phân bổ 500 tỷ đồng cho dự án trọng điểm của tỉnh là dự án đường Trục chính Vũng Tàu (đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994) đến nút giao vòng xoay đường 51B, C TP.Vũng Tàu) và 592,2 tỷ đồng cho 5 dự án có nhu cầu bổ sung vốn.
Cùng với đó, trên cơ sở quy định của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết bổ sung Danh mục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ đối với khu đất đô thị đường 3/2 (TP.Vũng Tàu); chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án trong năm 2024.
Việc thông qua danh mục sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo trong công tác quản lý đất đai. Sau Kỳ họp này, thủ tục đấu giá khu đất đô thị đường 3/2 đã đầy đủ. HĐND tỉnh đề nghị UBND khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đưa ra đấu giá nhằm khai thác tối đa giá trị kinh tế do đất đai đem lại, bảo đảm tiến độ đầu tư triển khai thực hiện các dự án, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay và thời gian tiếp theo.
ÔNG MAI NGỌC THUẬN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH
Bố trí đủ số lượng, chức danh theo công việc thực tế
Đối với Nghị quyết Quy định chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho thôn, ấp, khu phố, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương phải bố trí đủ số lượng, chức danh theo yêu cầu công việc thực tế tại từng thôn, ấp, khu phố, khu dân cư.
Đảm bảo người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, ấp, khu phố, khu dân cư chỉ làm một chức danh, phù hợp với từng địa phương.
|
Tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh, các nghị quyết được HĐND tỉnh quyết nghị tại kỳ họp này là những nghị quyết quan trọng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, HĐND tỉnh đề nghị, sau khi các nghị quyết của HĐND ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, thống nhất, đúng quy định, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương trong chủ trì, phối hợp, triển khai thực hiện nghị quyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến được bầu làm Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Với 47/47 đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu giữ chức danh Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với bà Nguyễn Thị Hải Yến.
Trước đó, Kỳ họp thứ 23 đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Phạm Thị Tuyết Trinh. Lý do, ngày 22/8/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 2268-TB/TU về công tác cán bộ, trong đó có nội dung: “Đồng ý điều động, bổ nhiệm bà Phạm Thị Tuyết Trinh, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tư pháp kể từ ngày 1/10/2024".
|
Để triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung cao độ, nỗ lực tối đa cho giai đoạn "nước rút” trong 3 tháng cuối năm 2024. Nhất là rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, đấu thầu và mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, gắn với tăng cường công tác hậu kiểm, thanh quyết toán đối với từng hạng mục của dự án ngay sau khi hoàn thành.
Không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “thông thầu” trong đấu thầu đầu tư công, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong giao đất, cho thuê đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất... theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 60-CT/TU ngày 9/9/2024 về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh đã thông qua 17 nghị quyết quan trọng. Trong ảnh: Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết kỳ họp. Ảnh: PHÚC LƯU |
Bài, ảnh: PHÚC LƯU