HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 60 NĂM CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ (1964-2024)

Chiến thắng Bình Giã - Độc đáo nghệ thuật quân sự Việt Nam - Kỳ 1: Bản kế hoạch đầy tham vọng

Chủ Nhật, 22/09/2024, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Để hiểu rõ ý nghĩa chiến lược của Chiến thắng Bình Giã, phải bắt đầu từ bản kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền John Kennedy (phê duyệt từ tháng 5/1961) mở đầu của cái gọi là chiến lược Chiến tranh đặc biệt. 

Staley - Taylor với tham vọng 18 tháng bình định miền Nam

Sau Đồng khởi ở miền Nam, đế quốc Mỹ lúng túng về chiến lược. Tháng 5/1961, chính quyền John Kennedy công bố Kế hoạch Staley-Taylor (đặt theo tên 2 người soạn thảo là nhà kinh tế học Eugene Staley và Đại tướng Maxwell D. Taylor), thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt, quyết bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

Công thức của chiến lược Chiến tranh đặc biệt là: ngụy quân cộng với vũ khí Mỹ, đặt dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ. Biện pháp trung tâm là xây dựng ấp chiến lược nhằm tách quân du kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khỏi nông dân, cắt đứt mối liên kết giữa người dân và du kích.

Nội dung của kế hoạch là bình định và triển khai hệ thống ấp chiến lược, xây dựng 16.000 ấp chiến lược trên toàn miền Nam. Triển khai kế hoạch này, trong năm 1961, quân số ngụy Sài Gòn tăng lên đến 20 vạn, được trang bị vũ khí hiện đại, tổ chức thành 7 sư đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 8.000 tên bảo an, 7.000 dân vệ. Miền Đông Nam Bộ được bố trí thành một hệ thống phòng thủ mạnh, trực tiếp bảo vệ Sài Gòn.

Ấp chiến lược ở miền Nam Việt Nam.
Ấp chiến lược ở miền Nam Việt Nam.

Ngụy quyền Sài Gòn thực hiện chương trình ấp chiến lược một cách ráo riết với mục tiêu cơ bản là “tát nước, bắt cá” nhằm cô lập và tiêu diệt các cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng, lôi kéo quần chúng về với “quốc gia” bằng một loạt biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và tâm lý. Các tỉnh vành đai quanh Sài Gòn như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Phước Thành, Biên Hòa, Phước Tuy (Bà Rịa) là trọng điểm “gom dân, lập ấp chiến lược" của Mỹ- ngụy. 

Tại Bà Rịa, cùng với việc xây dựng hàng loạt ấp chiến lược kiểu mẫu ở Long Đất, ngụy quyền cho xây dựng ấp chiến lược kiểu mẫu tại Bình Giã. Tháng 3/1963, tại khu vực Lộ 2, ngụy quyền thiết lập quận lỵ và chi khu Đức Thạnh tại Ngãi Giao và xây dựng ấp chiến lược Đức Thạnh quy mô ở trung tâm khu vực Lộ 2, gom đồng bào dân tộc Châu Ro sống rải rác các nơi về tập trung quanh chi khu Đức Thạnh, gom đồng bào ấp 3, ấp 4 (xã Ngãi Giao) về ấp Đường Cùng.

Đối với các sở cao su, địch gom công nhân ở các sở nhỏ về tập trung tại trung tâm đồn điền Bình Ba, Xà Bang, Xuân Sơn... để lập ấp. Địch tăng cường bắt lính, xây dựng, mở rộng hàng loạt đồn bót, ráo riết chuẩn bị kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược. Chúng xây dựng trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp ở ngay sát nội ô TX. Bà Rịa. Trung tâm này vừa là nơi đào tạo hàng ngàn hạ sĩ quan và binh lính ngụy, vừa là địa điểm đóng quân của địch, sẵn sàng hành quân tác chiến, càn quét các địa phương trong tỉnh.

Hàng loạt ấp chiến lược mọc lên giống như các trại tập trung lớn, có bờ đê cao, hào sâu cắm chông, hàng rào kẽm gai gài mìn, lựu đạn, có vọng gác, đồn bốt kiên cố. Kìm kẹp trong mỗi ấp là một bộ máy hành chính và quân sự, kết hợp với một đoàn cán bộ bình định nông thôn, mỗi ấp khoảng 30 tên gồm công an, mật vụ, công dân vụ, tâm lý chiến. Đồng bào trong ấp phải ở theo từng liên gia, có bảng phân loại gia đình treo trước cửa, gia đình có con theo cách mạng bị kiểm soát ngặt nghèo.

Giằng co quyết liệt

Hội nghị Trung ương Cục miền Nam tháng 4/1962 xác định 3 nhiệm vụ cụ thể: làm thất bại kế hoạch địch gom dân lập ấp chiến lược; ra sức xây dựng, mở rộng căn cứ địa; khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân. Trong đó, nhiệm vụ phá ấp chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm.

Cuộc đấu tranh chống địch gom dân, lập ấp chiến lược diễn ra quyết liệt, địch làm, ta phá, giằng co trong suốt những tháng cuối năm 1962, đã làm phá sản một bước kế hoạch “bình định” nông thôn của Mỹ - ngụy ở địa phương. Ấp chiến lược của địch bị phá đi phá lại nhiều lần nhưng do tương quan lực lượng, ta vẫn chưa phá dứt điểm. Đến năm1963, địch cơ bản hình thành hệ thống ấp chiến lược, nhất là các trọng điểm dọc theo đường giao thông.

Long Đất là trọng điểm chống phá ấp chiến lược của tỉnh. Phong trào chống phá ấp chiến lược lên cao, có đêm có từ 500 - 600 người kéo về phá ấp chiến lược. Hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị cho quần chúng, công tác bình vận và tuyên truyền vũ trang được tiến hành đồng bộ nên thế kìm kẹp của địch ở địa bàn được phá rã, phá lỏng.

Cuối năm 1963, Trung ương Cục quyết định tách tỉnh Bà Biên thành các tỉnh Bà Rịa và Biên Hòa. Ban Cán sự Tỉnh đội tiếp tục phát động đợt phá ấp chiến lược mạnh mẽ trên phạm vi toàn tỉnh.

Ở khu vực Lộ 2, lực lượng tự vệ cao su vận động tuyên truyền số thanh niên chiến đấu ở ấp chiến lược Đồng Ngọc Khải làm nội ứng để quân ta tiến công ấp chiến lược này. Một bộ phận của Đại đội 445 phối hợp với lực lượng tự vệ cao su bí mật tổ chức tiến công ấp chiến lược vào đêm 1/11/1963, diệt gọn 1 trung đội bảo an, thu 40 súng các loại. Cùng đêm, du kích Bình Ba đột nhập vào ấp chiến lược Đức Mỹ, phát động quần chúng công nhân, nông dân nổi dậy san phẳng ấp chiến lược, làm chủ đồn điển Bình Ba. Tranh thủ thời cơ, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và du kích các xã đồng loạt tiến công các đồn bót giặc dọc theo trục Liên tỉnh lộ số 2 từ Hòa Long cho đến Cẩm Mỹ.

Tại Ngãi Giao, kết hợp chẽ ba mũi giáp công, nhân dân đã nổi dậy phá banh các ấp chiến lược ở dốc 30, Đường Cùng, Huỳnh Hương, Vĩnh Thanh. Tháng 12/1963, bộ đội huyện phối hợp với du kích xã tiến công diệt đồn dân vệ của địch ở Sông Cầu, giải phóng ấp. 

Hầu hết các ấp chiến lược ở Đông và Tây Liên tỉnh lộ 2, đều bị phá rã hoặc phá banh. Các xã dọc theo Lộ 2, cơ bản ta đã hoàn toàn làm chủ. Vùng giải phóng được mở ra, nhân dân phấn khởi sản xuất, ủng hộ cách mạng, xây dựng hầm hào chiến đấu, phát triển lực lượng dân quân du kích, bảo vệ quê hương.

Sau sự kiện Ấp Bắc và việc chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính lật đổ, Kế hoạch Staley - Taylor từng bước đi vào rối loạn. "Cha đẻ" của bản kế hoạch - tướng Maxwell Davenport Taylor từng mạnh miệng tuyên bố sẽ bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, cũng tỏ ra "chán ngấy" trước tình hình... Dù vậy tham vọng của Mỹ chưa dừng lại ở đó. Và một kế hoạch mới mang tên Jonhson - Mc. Namara tiếp tục được đệ trình.

MẠNH QUÂN

(Còn nữa)

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Đức (1930 - 2000); Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945 - 1975); Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1945 - 2010) và Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Đức (1930 - 2015).

;
.