Chiến thắng Bình Giã độc đáo nghệ thuật quân sự Việt Nam: Kỳ 5: Đòn liên hoàn sấm sét

Thứ Năm, 26/09/2024, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Đêm 2/12/1964, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, quân ta nổ súng tiến công Bình Giã, mở màn chiến dịch, giáng series đòn sấm sét vào quân địch và chiến lược Chiến tranh đặc biệt.

Đồng loạt tiến công

Ngày 20/11/1964, trên địa bàn Bà Rịa, đội hình chiến dịch Bình Giã hình thành. Chỉ huy chiến dịch gồm Trần Đình Xu và Chính ủy Lê Văn Tưởng; chỉ huy phó chiến dịch Nguyễn Hồng Lâm (Hai Bứa).Sở chỉ huy chiến dịch đóng ở Núi Nưa. Quy mô chiến dịch tương đương cấp sư đoàn với khoảng 7.000 quân tham gia.

Lực lượng tham gia gồm: Trung đoàn 1 (Q761) và Trung đoàn 2 (Q762) của chủ lực Miền, Đoàn Pháo binh U80, Tiểu đoàn 800 (Quân khu 7), Tiểu đoàn 186 (Quân khu 6) và Đại đội 445 (Bộ đội tỉnh).

Quân ta bắn rơi trực thăng của địch tại Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu
Quân ta bắn rơi trực thăng của địch tại Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu

Đêm 2/12/1964, quân ta nổ súng tiến công Bình Giã, mở màn chiến dịch. Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Q761 bao vây và tập kích hỏa lực vào chi khu Đức Thạnh. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn Q762 đánh chi khu Đất Đỏ. Đoàn pháo binh Biên Hòa tập kích chi khu Xuyên Mộc và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp cầm chân địch. Tiểu đoàn 800 đánh giao thông chặn địch ở lộ 15 Long Thành. Đại đội 445 tấn công ấp chiến lược Bình Giã để thu hút lực lượng chủ lực của Sài Gòn lên tiếp ứng. Lực lượng địch tăng cường từ Quân đoàn III gồm: 3 tiểu đoàn biệt động quân số 30, 33 và 38, Chi đoàn 3 Trung đoàn 1 thiết giáp, Tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến.

Chiến dịch diễn ra quyết liệt tại khu vực ấp chiến lược Bình Giã. Trước sự tấn công của quân ta, địch phản ứng quyết liệt. Trong tình thế ngặt nghèo, các đồng chí Nguyễn Văn Quang và Trần Văn Hương sử dụng đại liên và Ba-zô-ka phá hủy cổng ấp chiến lược, mở đường cho bộ đội tiến công. Chỉ sau ít phút chiến đấu, bộ đội đã đánh tan tác 1 trung đội bảo an, đánh chiếm làng 2, làng 3, diệt 60 tên địch. Địch cho 15 máy bay lên thẳng H41B có 8 máy bay chiến đấu hộ tống tiểu đoàn 38 biệt động quân từ Phú Mỹ đổ xuống Đức Thạnh đánh ép vào Đại đội 445 nhưng đều bị đánh tan tác. Sau 4 ngày bám trụ kiên cường, Đại đội 445 được lệnh rút ra ngoài.

Để giải tỏa áp lực của ta tại Bình Giã và Đức Thạnh, địch mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33” để giải tỏa Tỉnh lộ 2 nhưng bị Trung đoàn Q762 tiêu diệt gọn.

Hưởng ứng chiến dịch, tại Long Đất, từ ngày 5/12/1964, bộ đội huyện cùng du kích Long Hội Mỹ bao vây đồn Bờ Đập diệt 42 tên lính bảo an. Cùng với mũi tiến công quân sự, đồng bào các ấp dọc Tỉnh lộ 2 tập hợp hàng trăm người kéo lên quận ly Đức Thạnh, đấu tranh chống địch bắn pháo, ném bom. Cùng thời gian trên, lực lượng pháo binh Miền tập kích hỏa lực các căn cứ Vạn Kiếp, Hòa Long, chi khu Đức Thạnh. Hướng Hoài Đức Tánh Linh cũng hoạt động phối hợp, gây thiệt hại cho các lực lượng bảo an dân vệ của địch.

Đêm 25/12/1965, đại đội 440 kết hợp với bộ đội huyện (C25) phục kích đánh một đại đội hạ sĩ quan trên đoạn trường Long Hải - Đá Giăng (lộ 44), diệt 1 trung đội, thu 20 súng.

Tại huyện Châu Thành, bộ đội huyện vây chặt chi khu Long Lễ. Du kích xã Long Phước, Hòa Long, Bình Ba cùng quần chúng nổi dậy bao vây đồn, bốt, buộc địch phải bỏ chạy về tiểu khu Phước Tuy. Các xã Long Phước, Bình Ba và phần lớn xã Hòa Long hoàn toàn giải phóng.

Trong khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, đêm 22/12/1964, chuyến tàu thứ 2 chở hơn 70 tấn vũ khí cập bến Lộc An an toàn, chi viện kịp thời cho đợt 2 chiến dịch.

Chiến thắng vang dội

Đợt 2 chiến dịch mở màn đêm 27/12/1964, bộ đội ta chiếm toàn bộ ấp chiến lược Bình Giã. Lực lượng địch ở chi khu Đức Thạnh bị pháo kích mạnh. Sáng 28/12/1964, địch dùng máy bay đổ tiểu đoàn biệt động quân 30 xuống Tràng Trống tây nam Đức Thạnh hòng chiếm lại Bình Giã. Tuy nhiên, tiểu đoàn biệt động của địch Bị đại đội 2 (tiểu đoàn 1, Trung đoàn 761) chặn đánh quyết liệt, lực lượng này thương vong khá nặng, nhưng thoát được ra La Vân.

Phán đoán địch sẽ tăng cường lực lượng để cùng tiểu đoàn 30 chiếm lại ấp, Trung đoàn 761 điều chỉnh lực lượng cơ động và củng cố trận địa, chuẩn bị đánh địch đổ bộ đường không ở phía đông bắc ấp.

Đúng như dự đoán, địch cho 24 máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ cho 50 máy bay lên thẳng đổ quân, điều tiểu đoàn 33 biệt động quân từ Biên Hòa đổ xuống đông bắc ấp chiến lược Bình Giã. Lập tức, hỏa lực phòng không của ta bắn rơi 12 chiếc, có năm chiếc chở đầy quân bốc cháy. Địch chuyển bãi đổ quân xuống cánh đồng trũng cách ấp chiến lược 400 mét về phía đông nam. Trung đoàn 761 xuất kích lúc địch chưa kịp triển khai đội hình chiến đấu, hình thành thế bao vây tiêu diệt Tiểu đoàn 33 biệt động quân.

Ngày 30/12/1964, địch cho 40 máy bay lên thẳng đổ tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến xuống đông nam ấp La Vân. Ngày hôm sau, quân ta dụ địch vào sâu, chia cắt và vu hồi, tiêu diệt gọn tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến ở khu vực máy bay rơi. Trung đoàn 761 tiếp tục hành quân chuẩn bị đánh chi khu Đức Thạnh.

Trung đoàn 762 đón địch ở đường số 2, nhưng địch không tiếp viện đường bộ. Trung đoàn cử một bộ phận nhanh chóng chuyển sang phối hợp cùng địa phương phá tung các ấp chiến lược Bình Giã, Đức Mỹ, An Phú, làm tan rã lực lượng dân vệ.

Trước tình thế nguy ngập ở Bình Giã, ngày 1/1/1965, địch mở cuộc hành quân với 2.000 tên gồm 1 chiến đoàn thủy quân lục chiến, 1 chiến đoàn dù từ Biên Hòa lần lượt đổ quân xuống Đức Thạnh, Bình Giã và đông - tây đường số 2 kết hợp với tiểu đoàn 30 và tiểu đoàn 38 biệt động quân, càn quét, giải tỏa khu vực này. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định giãn đội hình ra khỏi khu vực trọng điểm, chặn đánh các cánh quân địch, thực hiện bước phát triển chiến dịch. Ngày 3/1/1965, trên Tỉnh lộ 2, Trung đoàn 762 phục kích, diệt gọn đoàn xe quân sự 16 chiếc, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 35 biệt động quân.

Trên các hướng phối hợp và thứ yếu, ta đều diệt địch, phá nhiều ấp chiến lược. Quân khu 6 giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Đức. Trên hướng Long Thành - Nhơn Trạch, tiểu đoàn 800 phối hợp với công nhân cao su Bình Sơn, tập kích ban ngày diệt đồn Bình Sơn, đồn Tam An và chuyển sang Long Thành để hỗ trợ phong trào phá ấp chiến lược. Ngày 3/1/1965, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh kết thúc đợt 2 chiến dịch, đồng thời kết thúc chiến dịch tiến công Bình Giã.

Sau hơn 1 tháng chiến đấu kiên cường, bộ đội chủ lực Miền cùng quân dân Bà Rịa loại khỏi vòng chiến đấu 1.755 tên địch, bắt sống 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn cháy và làm hư hại 55 máy bay, thu 611 súng các loại, 10 máy truyền tin và nhiều tấn quân trang quân dụng.

MẠNH QUÂN

(Còn nữa)

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Châu Đức (1930 - 2000); Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945 - 1975); Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1945 - 2010) và Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Đức (1930 - 2015); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1954 - 1975).

;
.