CHIẾN THẮNG BÌNH GIÃ ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM

Kỳ 4: Ấp chiến lược Bình Giã-Điểm khơi ngòi chiến dịch

Thứ Tư, 25/09/2024, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Bình Giã có vị trí quan trọng về quân sự và chính trị, được  Mỹ-ngụy xây dựng thành “hậu cứ an toàn”. Đánh vào Bình Giã, buộc địch phải phản ứng nhanh bằng đường bộ, đường hàng không, ta có điều kiện “đánh điểm, diệt viện”.

Vận chuyển khí tài vào trận địa Bình Giã. (Ảnh tư liệu)
Vận chuyển khí tài vào trận địa Bình Giã. (Ảnh tư liệu)

Chiến thuật đánh vào "hậu cứ an toàn"

Chiến dịch Bình Giã được mở trên địa bàn rộng gần 500km2, thuộc các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và Bình Thuận. Hướng chủ yếu nằm trên tỉnh Bà Rịa. Hai hướng thứ yếu và phối hợp là Nhơn Trạch-Long Thành và Hoài Đức, Tánh Linh cách Sài Gòn khoảng 70km về phía Đông. Trên hướng chủ yếu, phương án ban đầu lấy Xuyên Mộc làm mục tiêu chính, đánh Chi khu Đất Đỏ để nghi binh. Qua nghiên cứu, Bộ chỉ huy Miền thay đổi hướng, lấy ấp chiến lược Bình Giã thuộc Chi khu Đức Thạnh làm điểm khơi ngòi, mở màn chiến dịch.

Bình Giã được coi là "hậu cứ an toàn" của Mỹ và tay sai, nằm ngay trên địa bàn của 3 chi khu quân sự bảo vệ Vũng Tàu, căn cứ hải quân, không quân, căn cứ của cái gọi là "Bộ chỉ huy Việt-Mỹ" hỗn hợp. Trong tham luận tại Hội thảo 30 năm Chiến thắng Bình Giã, Trung tướng Đỗ Quang Hưng, quyền Tư lệnh Quân khu 7 nhận định: “Chọn địa bàn này ta có khả năng chuẩn bị tốt các mặt cho tác chiến tập trung lớn của chủ lực. Đây là nơi xung yếu trong hệ thống phòng thủ phía Đông Sài Gòn. Khi bị đánh, địch sẽ tập trung đối phó, ta có cơ hội diệt địch ngoài công sự, gây thối động lớn”.

Còn Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam phân tích trong tham luận “Bình Giã-chiến dịch đầu tiên-chiến dịch quyết định”: Tỉnh Bà Rịa nằm ven biển Đông và bờ Tây Thái Bình Dương, bờ biển bằng phẳng, có thành phố cảng Vũng Tàu là cửa ngõ vào Việt Nam từ Mỹ và các căn cứ Mỹ ở Nhật, Philippines... Hạm đội 7 hùng mạnh của Mỹ làm chủ Thái Bình Dương, nhưng cần một đầu cầu bàn đạp trên đất liền là các tỉnh Bà Rịa-Bình Tuy-Long Khánh-Biên Hòa. Mỹ cố chiếm và bình định các tỉnh này làm khu vực hậu phương an toàn để tập trung lực lượng đánh các tỉnh Bình Dương, Bình Long, Tây Ninh, Hậu Nghĩa... là những nơi ta có căn cứ lớn và lực lượng hoạt động tương đối mạnh.

Ở các tỉnh Bà Rịa-Bình Tu-Long Khánh, lực lượng vũ trang ta còn yếu, địch cho là đã bình định xong về cơ bản nên không bố trí nhiều quân chủ lực ngụy mà chủ yếu bố trí bảo an và dân vệ. Ta đánh vào đây là đánh vào hậu phương của địch, phát triển phong trào quần chúng và đẩy mạnh du kích chiến tranh, buộc địch phải phân tán lực lượng không dồn hết sức lực về phía trước để đánh ta. Ở đây địch lại yếu và sơ hở, khi bị đánh, địch phải điều quân chủ lực từ nơi khác tới, một vùng địa hình không thuận lợi cho chúng. Chủ lực của ta cũng từ xa tới có nhiều khó khăn, nhưng nếu khắc phục được trong thế chủ động sẽ gây một bất ngờ lúng túng cho địch, làm cho địch mạnh trở thành yếu, ta ít mà tập trung và chủ động, tạo được ưu thế trong từng trận đánh.

“Chọn hướng chiến trường đúng giúp nắm chắc phần thắng về mặt chiến thuật, chiến dịch và chiến lược”, Thượng tướng Trần Văn Trà nhìn nhận.

Đóng vai trò quan trọng cho chiến dịch là căn cứ Hắc Dịch, nằm phía Nam đường số 2, cách không xa Bình Giã và giữa 2 vùng căn cứ quan trọng là rừng Sác và chiến khu D. Từ năm 1963, Hắc Dịch trở thành căn cứ của các cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội. Từ tháng 10/1963, Bộ chỉ huy Miền cho lập ở Hắc Dịch tuyến vận tải vũ khí đường biển theo lộ trình Cần Giờ-rừng Sác-Hắc Dịch-chiến khu D. Hắc Dịch thành nơi trú đóng của nhiều cơ quan tỉnh và Đoàn K10, đoàn hậu cần tiền phương, đoàn quân nhu khu E, Bộ chỉ huy chiến dịch, căn cứ hậu cần với các kho dự trữ súng đạn, lương thực lớn và bệnh viện quân y cánh Tây chiến dịch. 

Kết hợp hậu cần chủ lực và hậu cần tại chỗ

Từ giữa năm 1961, Khu ủy miền Đông đã cử người ra Bắc xin chi viện vũ khí. Đêm 3/10/1963, tàu chở 20 tấn vũ khí, chất nổ từ hậu phương miền Bắc cập bến Lộc An, được Đoàn 1500 tiếp nhận an toàn. Nhờ số vũ khí này, quân và dân miền Đông đẩy mạnh hoạt động phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Đến ngày 22/12/1964, hơn 70 tấn vũ khí đạn dược từ miền Bắc tiếp tục cập bến Lộc An để chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch. Cùng với đó, tuyến vận chuyển vũ khí từ Bến Tre, Cà Mau lên rừng Sác về kho ở căn cứ Hắc Dịch cũng được tổ chức. Trước khi chiến dịch diễn ra, kho vũ khí ở căn cứ Hắc Dịch tiếp nhận hơn 800 tấn vũ khí để cung cấp cho bộ độ chủ lực và các địa phương.

Bộ chỉ huy Miền tổ chức ra Đoàn quân nhu khu E (Bà Rịa-Long Khánh) triển khai thu mua kết hợp với địa phương vận động Nhân dân tại chỗ ủng hộ và rút từ vùng địch. Trước chiến dịch, hậu cần Miền chuyển về Bà Rịa 2.000 giạ lúa từ Hậu Giang. Cục Hậu cần Miền còn tổ chức tư thương cơ sở của ta trong nội thành Sài Gòn Chợ Lớn, chở 50 tấn gạo và 10 tấn muối trên đường Sài Gòn đi Nha Trang đổ trên đường số 1 qua Xuân Lộc. 

Hậu cần khu B và khu A đảm bảo cho bộ đội hành quân và dừng lại huấn luyện cũng như sẵn sàng cung cấp cho bộ đội khi từ chiến dịch về. Quân khu miền Đông giao các rẫy mì cho bộ đội ăn khi qua căn cứ chiến khu Đ.

Tỉnh ủy Bà Rịa triển khai kế hoạch phục vụ chiến dịch cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện với tinh thần hết sức khẩn trương và bảo đảm bí mật. Đồng bào trong tỉnh sử dụng nhiều phương tiện đưa lương thực và nhu yếu phẩm cho bộ đội. Lúa gạo từ các nơi được bí mật chuyển về các kho dựng tạm ven lộ 2. Máy xay lúa ở Long Phước hoạt động ngày đêm suốt cả tháng trời. Công nhân cao su sử dụng xe hơi, máy cày của sở vận chuyển lượng thực, khí tài cho bộ đội. Hàng ngàn thanh niên nam nữ các xã hăng hái xung phong đi dân công tải đạn, khiêng cáng thương binh. Đến cuối tháng 11/1964, Ban Quân nhu khu E phối hợp với địa phương chuẩn bị khoảng 417 tấn gạo bảo đảm đủ cho chiến dịch với tiêu chuẩn 1 lít gạo/người/ngày.

Tại các khu căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha bà con đồng bào dân tộc ngày đêm khẩn trương đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho bộ đội ém quân. Đội vũ trang tuyên truyền di cư Bình Giã bám các ấp đồng bào dân tộc Châu Ro ở La Vân, Cà Mun, tổ chức đồng bào đưa hàng hóa lâm sản vào buôn bán trao đổi, để nắm tình hình địch.

Căn cứ khu I (xã Bình Châu) được hậu cần miền chọn làm nơi xây dựng bệnh viện K76A để phục vụ cho chiến dịch Bình Giã. Quân y miền đã điều 3 đội phẫu thuật tăng cường cho tỉnh Bà Rịa để tổ chức hai đội phẫu thuật dã chiến. Cơ quan của tỉnh dời về Đông lộ 2 (Sông Ray), nhường căn cứ Hắc Dịch cho các đơn vị về chuẩn bị chiến dịch. Bệnh xá của tỉnh được tăng cường thêm một đội phẫu thuật của quân y miền để tổ chức thành bệnh viện dã chiến mang phiên hiệu K76B, đóng ở phía Tây lộ 2.

Sự hiệp đồng chặt chẽ về chiến dịch và chiến lược từ miền Bắc tới miền Đông Nam Bộ (vũ khí), từ miền Tây lên miền Đông (lương thực và vũ khí), từ nội ô Sài Gòn đến các tỉnh miền Đông theo kế hoạch sẵn sàng cho thời khắc tiếng kèn xung trận mở màn chiến dịch Bình Giã.

MẠNH QUÂN

(Còn nữa)

* Bài viết có sử dụng tư liệu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1954-1975); Chiến dịch Bình Giã-Một mốc lịch sử đáng ghi nhớ.

 
;
.