.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Cần chính sách đột phá thúc đẩy nông nghiệp, công thương, du lịch

Cập nhật: 18:41, 21/08/2024 (GMT+7)

Tiếp tục Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn về các lĩnh vực.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất vấn lộ trình số hóa để phát huy giá trị  di sản, quảng bá văn hóa và sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất vấn lộ trình số hóa để phát huy giá trị di sản, quảng bá văn hóa và sản phẩm du lịch của Việt Nam.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH tỉnh tại địa phương; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản

Trả lời ĐBQH về giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên 3 trụ cột, đó là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN
Giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị 
Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. 

 

Đề xuất nâng mức bậc thang giá điện

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cách tính giá bậc thang điện hiện nay chưa phù hợp với người dân. Do đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh và tính toán bỏ thuế VAT?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia để khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm. Cách tính này, cũng góp phần hỗ trợ người nghèo. Đồng thời, mức hỗ trợ người nghèo vẫn giữ như cũ, ngân sách nhà nước hỗ trợ tới mức 30kWh. Từ mức 30kWh đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.

Về vấn đề thuế VAT trong hóa đơn tiền điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, việc giảm thuế để giải quyết một lĩnh vực có biến động lớn về giá là không hợp lý. 

Văn hóa-du lịch bổ trợ nhau

Lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để phát huy giá trị di sản, quảng bá văn hóa và sản phẩm du lịch của Việt Nam là vấn đề được đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra trong phiên chất vấn. Bên cạnh đó, tìm giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch xanh cũng được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nhiều địa phương đã và đang làm tốt việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó thu hút khách du lịch.

Bộ đã triển khai số hóa hoạt động thư viện, bảo tàng và bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, nhất là phát huy yếu tố di sản. Đặc biệt, lĩnh vực này đã có sự tham gia của các thành phần khác nhau, không chỉ có đầu tư công. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến cũng có các điều quy định về số hóa trong lĩnh vực di sản.

Về phát triển du lịch xanh, trong Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã ưu tiên lựa chọn phát triển du lịch xanh và bền vững. Chính phủ đã có Nghị quyết số 82, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08 tập trung vào nội dung này. Trong đó lưu ý phát triển du lịch bền vững, dựa trên nền tảng văn hóa, sản phẩm nổi trội để kết nối tour tuyến, phát triển du lịch vùng. Cùng với đó, xác định quan điểm phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, mà phải chú đến môi trường sinh thái.

Phiên chất vấn buổi chiều 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn tỷ lệ  chưa thi hành án hành chính còn cao và giải pháp khắc phục.
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn tỷ lệ chưa thi hành án hành chính còn cao và giải pháp khắc phục.

Vì sao tỷ lệ đơn vị hành chính không sắp xếp theo đăng ký cao?

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) chấp vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà liên quan Báo cáo 305 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Báo cáo nêu còn 21/30 đơn vị cấp huyện, tỷ lệ 70%; còn 508/1.253 đơn vị cấp xã, tỷ lệ 40,45% không thực hiện sắp xếp như đã đăng ký. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết nguyên nhân và trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải thích do các đơn vị này hội tụ một trong 4 yếu tố đặc thù không phải sắp xếp: Có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối với đơn vị hành chính khác; có địa giới hành chính đã hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay và chưa có sự thay đổi; đơn vị có vị trí quốc phòng-an ninh trọng yếu, có truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt; đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU-ĐĂNG KHOA-MẠNH QUÂN

 
.
.
.