TP.Vũng Tàu triển khai hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

Thứ Năm, 01/08/2024, 13:09 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 1/8, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã làm việc và khảo sát tại TP.Vũng Tàu.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vũng Tàu tiếp đoàn.

Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vũng Tàu cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND thành phố đã thông qua 4 Nghị quyết về chương trình giám sát với 47 chuyên đề giám sát, khảo sát. Đồng thời, tổ chức 14 kỳ họp, qua đó, đã ban hành 219 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư công.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vũng Tàu báo cáo tại buổi làm việc.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vũng Tàu báo cáo tại buổi làm việc.

Từ năm 2021 đến nay, HĐND thành phố và các các Ban HĐND thành phố đã tổ chức 35 chuyên đề giám sát chuyên đề và 8 cuộc khảo sát về các nội dung: Cắm mốc quản lý và sử dụng các thửa đất công; di dời các cơ sở sản xuất, chế biến thủy hải sản gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố...

Bên cạnh đó, HĐND thành phố đã tổ chức 4 phiên chất vấn các vấn đề cử tri và nhân dân qua tâm, về đầu tư công, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố, công tác chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự xây dựng...

Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố được chú trọng. Trong đó, việc giám sát, xem xét nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND được quan tâm thực hiện, kịp thời kiến nghị việc sửa đổi, bổi sung các văn bản bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật. Thường trực HĐND còn chú trọng công tác tiếp công dân. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 420 lượt đại biểu HĐND thành phố tiếp công dân.

Với mục đích khảo sát để sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (2015), các đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế cho HĐND các cấp tổ chức giám sát các vấn đề đột xuất, đặc biệt là liên quan đến vấn đề an sinh xã hội và các bức xúc của người dân, ngoài việc giám sát theo chuyên đề.

Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) trao đổi tại buổi làm việc.
Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao đổi tại buổi làm việc.

Đồng thời phản ánh, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhiều cá nhân lợi dụng quyền hạn, chức vụ thực hiện các hoạt động ngoài khuôn khổ giám sát để trục lợi cá nhân. Vì vậy, khi sửa đổi Luật, cần quy định cơ chế giám sát lại đoàn giám sát. Và cần quy định vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND khi tham gia các kỳ chất vấn, giám sát của HĐND cùng cấp để tránh tình trạng biến diễn đàn chất vấn, giám sát thành diễn đàn riêng chỉ đạo của lãnh đạo UBND...

Tin, ảnh: THI PHONG

;
.