Những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Thứ Tư, 28/08/2024, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã đoàn kết một lòng, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thành công.

Nhà Tròn-địa điểm diễn ra mít tinh giành chính quyền tháng 8/1945. Ảnh: AN NHIÊN
Nhà Tròn-địa điểm diễn ra mít tinh giành chính quyền tháng 8/1945. Ảnh: AN NHIÊN

Nắm bắt được chủ trương của Đảng, ngày 23/8/1945, Chi bộ Bà Rịa đã tổ chức cuộc họp ở Long Điền chuẩn bị khởi nghĩa. Tối 24/8/1945, cờ đỏ sao vàng treo khắp Bà Rịa. Mặt trận Việt Minh công khai hoạt động. Lực lượng được Việt Minh sử dụng làm nòng cốt, đi đầu trong ngày giành chính quyền là tổ chức Thanh niên Tiền phong. Đồng thời, Mặt trận huy động toàn bộ quần chúng nhân dân các huyện trong tỉnh đổ về Bà Rịa biểu dương lực lượng, gây áp lực buộc chính quyền thực dân bàn giao lại chính quyền cho cách mạng.

Sáng 25/8/1945, hơn một vạn quần chúng từ khắp các ngả đường rầm rập đổ về Bà Rịa, giương cao cờ đỏ sao vàng, tập trung mít tinh xung quanh tháp nước (Nhà Tròn) ở trung tâm Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa). Trong lễ mít tinh, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời tuyên bố độc lập. Sau khi cuộc mít tinh kết thúc, đoàn người dưới sự hướng dẫn của tổ chức Thanh niên Tiền phong đã kéo về các địa phương giành chính quyền ở cơ sở.

Khởi nghĩa ở Vũng Tàu nổ ra muộn hơn. Ngày 25/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập, lực lượng nòng cốt là Thanh niên Tiền phong lúc này đã đổi tên thành đội Cảm tử quân Bến Đá. Sau lễ mít tinh vào sáng 28/8/1945, quần chúng tỏa ra khắp các ngả đường, chiếm công sở của chính quyền cũ…

Tại Côn Đảo, trước sức mạnh đoàn kết tranh đấu của tù nhân, Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo được thành lập với đa số thành viên là tù chính trị. Vào những ngày cuối tháng 8/1945, quyền lực thực tế trên đảo đã thuộc về những người cộng sản. Đảng ủy Côn Đảo đã tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gọi là Đoàn phòng thủ Côn Lôn. Đoàn phòng thủ có 300 đội viên và 50 khẩu súng trường, súng lục tước được của địch. Ban Tuyên huấn Đảo ủy biên soạn Chương trình Việt Minh, Chương trình quân sự và chính trị cơ bản để huấn luyện cho toàn thể tù chính trị Côn Đảo trước khi về đất liền.

Ngay trong đêm 25/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phải lập tức giải phóng nhà tù Côn Đảo và tổ chức rước tù chính trị từ Côn Đảo trở về. Sau những nỗ lực vượt bậc, đêm 23/9/1945, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc ghe bầu đã đưa 1.800 tù chính trị về Sóc Trăng an toàn.

Đoàn tù chính trị đặt chân lên đất liền cũng là lúc thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Chưa được hưởng trọn một ngày độc lập thực sự, toàn thể tù chính trị Côn Đảo biểu lộ quyết tâm kháng chiến và giao cho ông Lê Văn Lương (nguyên Đảo ủy viên) thảo bức điện gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng xin tình nguyện ở lại tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

 
;
.