KỶ NIỆM 79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Giá trị thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập

Thứ Năm, 29/08/2024, 17:33 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Áng văn bất hủ của Người đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn chứa đựng những giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng Trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh  đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 2/9/1945, tại Quảng Trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TƯ LIỆU

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với quốc dân và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tuyên bố đó đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Cũng từ đó, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á hình thành, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử chính trị, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia của một dân tộc và giá trị về quyền con người của người dân một nước độc lập. Đây cũng là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học, độc đáo và thiên tài của Người.

Kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Vì thế, nó không chỉ gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình Nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì Độc lập, tự do; thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền Độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam, khẳng định trước công luận: Mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập là đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa. Một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít, dân tộc đó phải được tự do, độc lập và sẽ bằng mọi giá để giữ vững nền độc lập của mình.

Bản Tuyên ngôn Độc lập còn minh chứng cho một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hòa hiếu của một dân tộc “muốn là bạn với các nước”. Đây là cột mốc đánh dấu lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, thể hiện khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do vẫn trường tồn cùng lịch sử, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để "đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

NGUYÊN CHƯƠNG

 
;
.