Kiên trung những nữ cựu tù Côn Đảo

Thứ Sáu, 02/08/2024, 21:55 [GMT+7]
In bài này
.

Ở nơi linh thiêng Đền thờ Côn Đảo, 3 nữ cựu tù chính trị Côn Đảo năm xưa từng ở chung “chuồng cọp” bồi hồi ngày gặp lại. Đó là các bà Lê Thị Tuyết (82 tuổi), Mai Lưu Phương (80 tuổi) cùng quê tỉnh Long An và bà Trần Thị Hòa (80 tuổi) ở tỉnh Đồng Nai, là Phó Ban Liên lạc toàn quốc Chiến sĩ Cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày.

Từ trái qua phải: Các nữ cựu tù Lê Thị Xinh (tỉnh Long An), Trần Thị Hòa (tỉnh Đồng Nai), Phó Ban Liên lạc toàn quốc Chiến sĩ Cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày và Mai Lưu Phương (tỉnh Long An) từng bị giam ở “chuồng cọp” và Trại 4, Côn Đảo trùng phùng trong ngày gặp mặt 27/7/2024.
Từ trái qua phải: Các nữ cựu tù Lê Thị Xinh (tỉnh Long An), Trần Thị Hòa (tỉnh Đồng Nai), Phó Ban Liên lạc toàn quốc Chiến sĩ Cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày và Mai Lưu Phương (tỉnh Long An) từng bị giam ở “chuồng cọp” và Trại 4, Côn Đảo trùng phùng trong ngày gặp mặt 27/7/2024.

Các cô tâm sự, ở nhà tù Côn Đảo, với những tù nhân nam đã khổ cực nhưng với những nữ tù chính trị còn cơ cực gấp bội phần. Trong ký ức của những nữ cựu tù từng ở “chuồng cọp” thì đó là phòng giam tối tăm, chật hẹp, thức ăn đầy cát, bụi, chỗ ngủ ẩm, ướt... 

Một phòng giam chỉ có một thùng phân lưu động, dùng để đựng chất thải của tất cả tù nhân khiến phòng giam không chỉ ẩm thấp mà còn hôi thối. Mỗi ngày chỉ cho một người ra ngoài đổ và vệ sinh thùng phân trong thời gian giới hạn cùng sự quản giáo khắc nghiệt của cai tù. Các bữa ăn không những bị cắt xén khẩu phần, lương thực bị mốc, ôi thiu cộng với cát do gió táp vào nên các cô phải gạt lớp cát trên bề mặt và chấp nhận ăn thức ăn thiu mốc để bảo đảm sức đấu tranh. 

Bà Lê Thị Tuyết nhớ nhất trong điều kiện sống khắc nghiệt và sự đàn áp gắt gao đó, những bạn tù có năng khiếu đã dùng tiếng hát, điệu múa làm niềm vui, làm vũ khí chiến đấu và là liều thuốc tinh thần, truyền động lực cho các chiến sĩ khác…

Còn nữ cựu tù Mai Lưu Phương tâm sự: Ở “chuồng cọp”, bọn gác ngục đã tra tấn tù nhân nói chung, các nữ tù nói riêng vô cùng tàn khốc. Chúng nhiều lần đàn áp bằng vôi bột và sào nhọn bịt đồng; đồng thời lợi dụng đặc điểm sinh lý của phụ nữ để kìm kẹp khống chế các nữ tù. Hình phạt tồi tệ mà chúng thường áp dụng là không cho tắm, không cho nước rửa, không cho đổ thùng cầu. Không có đồ dùng vệ sinh, các nữ tù phải xé quần áo, màn rách ra dùng mỗi khi đến “ngày” của phụ nữ. 

“Giờ đây, trở về Côn Đảo, chúng tôi lại tưởng nhớ các chị em đồng đội, những người một thời cùng chúng tôi sống chết có nhau, nhiều đồng đội đã ra đi để chúng ta hôm nay có được độc lập tự do. Nơi đây, còn có chị Sáu (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu) là người làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam, niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần của chúng tôi trong những năm tháng lao tù”, nữ cựu tù Mai Lưu Phương tâm sự.

Chia sẻ những năm tháng gian khổ nơi ngục tù, nữ cựu tù Trần Thị Hòa xúc động nhớ lại, do chế độ lao tù hà khắc, nhiều chị em bị thần kinh, bị điên. Phòng giam của bà có đến 3 trong số 5 người tàn tật. Nhiều chị em đã chết trong tù. 

Về Côn Đảo hôm nay, trong mỗi cựu tù, đặc biệt là nữ cựu tù không chỉ dâng trào những cảm xúc lòng tự hào dân tộc. Họ chính là hiện thân của những tấm gương kiên trung, bất khuất và tấm lòng son sắc, phát huy được truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG 

;
.