Di tích lịch sử địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969, tại Bình Ba: 'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng

Thứ Sáu, 02/08/2024, 21:49 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 2/8, di tích lịch sử Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969, tại Bình Ba (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, khẳng định là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ông Phạm Xuân Ninh, cựu binh Trung đoàn 33 chụp ảnh lưu niệm cùng HS trong buổi giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: VNCC.
Ông Phạm Xuân Ninh, cựu binh Trung đoàn 33 chụp ảnh lưu niệm cùng HS trong buổi giáo dục truyền thống cách mạng. Ảnh: VNCC.

Di tích được tu bổ khang trang

Hòa cùng không khí sôi nổi chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Châu Đức, khuôn viên di tích lịch sử Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969 tại Bình Ba những ngày này rộn ràng bởi những tốp thợ thi công sân khấu, trang trí cờ, hoa chuẩn bị lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia. 

Tất bật quét dọn, bà Đoàn Ngọc Anh (SN 1959, người trông coi di tích) cho biết, bà trông coi, chăm sóc khu di tích hơn 17 năm nay. Hằng ngày, bà lau bụi, thắp nhang bia ghi danh liệt sĩ, quét dọn khuôn viên. Khách tới tham quan, về nguồn hay thân nhân liệt sĩ tới viếng, tìm mộ người thân đều được bà tiếp đón và hướng dẫn chu đáo. 

Khuôn viên khu di tích rộng hơn 4.000mvới nhiều hạng mục như: tượng đài, bia ghi danh các chiến sĩ, khu mộ tập thể, nhà truyền thống trưng bày hình ảnh và hiện vật lịch sử… nên bà Ngọc Anh luôn tay luôn chân làm việc để giữ cho di tích sạch, đẹp.

“10 tấm bia ghi tên 2.087 liệt sĩ Trung đoàn 33 hy sinh tại các chiến trường như: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, biên giới Tây Nam ở các giai đoạn lịch sử khác nhau”, bà Anh nói trong khi vẫn cặm cụi dùng khăn lau bụi ở các hàng bia.

Dẫn phóng viên tham quan, bà Ngọc Anh thuộc lòng các thông tin, nội dung những sự kiện, nhân vật… liên quan đến di tích. Tới phòng truyền thống, bà giới thiệu chi tiết về từng bức ảnh, những chiến tích hào hùng, những người lính dũng cảm kiên cường đã chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất quê hương năm xưa.

“Nhiều năm qua, di tích được quan tâm tu bổ, trồng hoa, cây xanh và xây dựng nhiều hạng mục ngày càng khang trang. Khu di tích được xếp hạng quốc gia càng nhân lên niềm vui và tự hào cho địa phương. Tôi sẽ cố gắng làm tốt việc chăm sóc khu di tích để quan khách, người dân khi tới viếng thăm cảm nhận được ý nghĩa và ấn tượng tốt đẹp nhất”, bà Anh chia sẻ.

Trung đoàn 33 thành lập ngày 15/2/1965, tiền thân là Trung đoàn 101 và Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên. Trong suốt quá trình chiến đấu, Trung đoàn 33 đã có mặt trên khắp các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ đặc biệt là chiến trường Bà Rịa - Long Khánh.

Trận đánh ác liệt giải phóng Bình Ba ngày 6/6/1969, Tiểu đoàn 7 của Trung đoàn 33 đối đầu với quân đội hoàng gia Úc, lập nên trận đánh nổi tiếng, ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 53 cán bộ, chiến sĩ.

Ngày 16/5/2012, UBND tỉnh trao Quyết định số 931/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với khu tưởng niệm Trung đoàn 33. Ngày 29/12/2023, Bộ VH-TT-DL có quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia "Di tích lịch sử Địa điểm trận chiến ngày 6/6/1969, tại Bình Ba".

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Tiếp phóng viên trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, cách khu di tích khoảng 1km, Đại úy Phạm Xuân Ninh, cựu binh Trung đoàn 33 hào sảng kể lại những trận đánh và chiến công lẫy lừng của Trung đoàn. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, như bao đồng đội khác ông Ninh trở về quê tỉnh Thái Nguyên nhưng điều kiện đời sống và kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 1994, ông trở lại xã Bình Ba lập nghiệp và lập gia đình khi đã gần 40 tuổi. 

Từng làm công tác tuyên huấn trong đơn vị cũ, nên nhiều năm qua, ông Ninh được các trường học trên địa bàn huyện Châu Đức mời nói chuyện giáo dục truyền thống QĐNDVN cho HS tổ chức tại khu di tích và các trường học.

“Ngoài những dấu mốc lịch sử, những chiến dịch lớn, tôi còn mang theo hiện vật, kể về những câu chuyện bên lề xảy ra trong chiến tranh để thu hút các HS và bạn trẻ. Qua buổi nói chuyện, tôi mong muốn các cháu sống, học tập, lao động, rèn luyện sao cho xứng đáng với những sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ. Từ đó xây dựng đất nước tươi đẹp, giàu mạnh”, ông Ninh nói.

Theo đại úy Ninh, những năm 1996, khu di tích lịch sử cách mạng Trung đoàn 33 chỉ có nhà bia đơn sơ. Qua các năm, được sự quan tâm hỗ trợ vật chất và tinh thần của các cấp chính quyền, vận động đóng góp của chiến sĩ Trung đoàn 33, di tích dần được tu bổ khang trang, sạch đẹp. Vào các dịp lễ lớn của đất nước, khu di tích là nơi cựu binh Trung đoàn 33 họp mặt để ôn lại những trang sử hào hùng của đơn vị và dân tộc. Nơi quan khách, người dân và HS tới viếng liệt sĩ.

“Khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia khiến các cựu binh Trung đoàn 33 rất vinh dự và tự hào. Chúng tôi thấy sự hy sinh, đóng góp máu xương của các chiến sĩ Trung đoàn 33 được đền đáp xứng đáng. Di tích sẽ được người dân biết đến nhiều hơn, trở thành địa chỉ đỏ xây dựng, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ mai sau”, ông Ninh xúc động nói.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.