Cần cán bộ giỏi, chuyên gia đầu ngành làm công tác tham mưu
Sáng 5/8, tại TP.Vũng Tàu, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Định hướng, giải pháp đổi mới công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh/thành ủy trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tặng quà cảm ơn Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã đón tiếp nhiệt tình, chu đáo và phối hợp tổ chức hội thảo. |
Đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ
Hội thảo ghi nhận hơn 40 tham luận và ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm và có chất lượng khoa học cao của các nhà khoa học, lãnh đạo các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và địa phương.
Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đi sâu đánh giá thực trạng, làm rõ những thành tựu đạt được cần tiếp tục phát huy; những bất cập, hạn chế cần có giải pháp khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất và những bài học kinh nghiệm trong công tác tham mưu của các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh/thành ủy trực thuộc Trung ương qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: PHÚC LƯU |
Theo ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo của các cơ quan tham mưu thuộc Tỉnh ủy là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết, là một đòi hỏi mang tính thời sự, xuyên suốt. Bởi công tác tuyên giáo bao quát nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, trong lãnh đạo, quản lý và trong đời sống xã hội...
PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng đội ngũ cán bộ của ban Đảng còn thiếu các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi, chuyên gia cao cấp. |
Để đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời gian tới, ông Nguyễn Văn Xinh nêu lên các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.
“Một nhân tố cơ bản, quyết định để nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu trên lĩnh vực tuyên giáo đó là đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ở đơn vị nào có những cán bộ tham mưu giỏi thì ở đó chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên giáo được thể hiện rõ”, ông Nguyễn Văn Xinh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Xinh, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải được lựa chọn là những cán bộ có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và có uy tín; có năng lực và trình độ đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Đặc biệt chú trọng “phẩm chất đặc trưng” của cán bộ làm công tác tuyên giáo, đó là khả năng “nói, viết”; là năng lực tư duy nhạy bén, khả năng phát hiện, tham mưu, đề xuất nội dung, biện pháp công tác tư tưởng, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra…
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đội ngũ cán bộ của ban Đảng còn thiếu các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi, chuyên gia cao cấp; một bộ phận còn thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu tham mưu chiến lược cho BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Các cơ quan Đảng đóng góp quan trọng vào những thành tựu
của Đảng bộ tỉnh Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, dân, quân và cộng đồng doanh nghiệp Bà Rịa- Vũng Tàu đã nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh; tập trung mọi nguồn lực, đề ra những chủ trương, định hướng phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế so sánh, phát huy sức mạnh tổng hợp, đầu tư phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam bộ. GRDP của tỉnh luôn giữ vững đà tăng trưởng, GRDP bình quân trên đầu người đạt trên 8.000 USD, cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước; đứng trong nhóm 5 địa phương thu ngân sách cao nhất cả nước, đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia, là một trong ít các tỉnh, thành tự cân đối ngân sách địa phương trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến nay.
Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tạo nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển con người và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân; trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; hệ thống chính trị tỉnh được củng cố ngày càng vững mạnh, niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao.
Những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được, có sự quan tâm, hỗ trợ, lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng Trung ương, sự đóng góp quan trọng của các co quan Đảng địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy những hoạch định, quyết sách đúng - trúng- kịp thời.
|
Từ đó đặt ra hai vấn đề: các ban Đảng Trung ương cần tham mưu với Bộ Chính trị ban hành các quyết định mới, bổ sung, hoàn chỉnh chức năng nhiệm vụ của các ban Đảng Trung ương trong tham mưu cho BCH Trung ương, Bộ Chính trị về định hướng chính sách.
“Tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, trong đó có cán bộ tham mưu, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược”, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông đề xuất.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tham mưu
Phát biểu kết luận hội thảo, TS Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, hội thảo đã đề xuất được các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh/thành ủy trực thuộc Trung ương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là một số giải pháp.
Đó là thống nhất và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược gắn bó hữu cơ với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu và sự trong sạch, vững mạnh toàn diện của Đảng.
Tiếp tục đổi mới phương thức tham mưu, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu và cơ chế liên kết, phối hợp của các ban, các cơ quan Đảng ở Trung ương và ở các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương nhằm khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, hoạt động kém hiệu quả; phát huy vai trò của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong việc gắn kết, phát huy năng lực, sức mạnh tổng hợp trong công tác tham mưu của các ban, các cơ quan Đảng Trung ương và các cơ quan tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy.
“Kiện toàn sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo hợp lý, đúng với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng số…”, TS Lại Xuân Môn đề nghị.
Bài, ảnh: PHÚC LƯU