Xây dựng các chế định pháp lý về công chứng điện tử

Thứ Hai, 17/06/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ đối với các Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Quy định rõ loại giao dịch có thể công chứng điện tử

Phát biểu thảo luận tại Tổ thảo luận số 4, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với bố cục của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi),

Góp ý về dữ liệu Công chứng tại Điều 63 và triển khai chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng chuyển đổi số hoạt động công chứng là nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong điều kiện vận hành nền kinh tế số, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số dịch vụ công.

Đại biểu cho biết, qua nghiên cứu thực tiễn, Bộ Tư pháp đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng và đạt một số kết quả bước đầu so với yêu cầu phát triển của các giao dịch dân sự, kinh tế và các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực pháp luật vào ngày 1/7/2024, thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), phải cân nhắc các quy định điều chỉnh làm rõ: Phạm vi, loại giao dịch nào có thể thực hiện công chứng điện tử; quy trình, giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử; việc chuyển đổi văn bản công chứng điện tử sang văn bản giấy và ngược lại; cách thức chứng nhận dữ liệu điện tử, điều kiện, nguyên tắc cơ bản khi áp dụng công chứng điện tử.

Theo đại biểu, quy định về công chứng điện tử, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc là quy định mới, do đó để quy định của Luật mang tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhất cho hoạt động của công chứng viên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng có phạm vi toàn quốc, đồng bộ và kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng hệ thống công chứng điện tử để cung cấp dữ liệu làm đầu vào cho các dịch vụ công khác.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định dữ liệu công chứng phải đảm bảo liên thông với các dữ liệu về dân cư, đất đai… có quy mô toàn quốc để lưu giữ toàn bộ hồ sơ công chứng có giá trị chứng cứ, lưu giữ hồ sơ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động công chứng. Theo đại biểu, đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến tính tương thích của dữ liệu công chứng, phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động công chứng có tuân thủ pháp luật hay không.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị cần xây dựng các chế định pháp lý về công chứng điện tử theo hướng công chứng từ xa thông qua email, tin nhắn, website hoặc các phần mềm chuyên dụng; xây dựng Quy trình công chứng trực tuyến chặt chẽ, đảm bảo hiệu lực hiệu quả.

Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT đang phát sinh vướng mắc

Góp ý đối với Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng phương pháp tính trực tiếp tại khoản 1, Điều 12 về nội dung: “Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp” là chưa bao quát được trường hợp diễn ra trong thực tế.

Đại biểu dẫn chứng có một số doanh nghiệp thuộc đối tượng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, có hoạt động mua bán, chế tác, sản xuất hàng trang sức từ vàng, bạc, đá quý áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, hiện đang phát sinh vướng mắc về việc tính số thuế GTGT được khấu trừ của các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ dùng chung cho hoạt động mua bán, chế tác, sản xuất hàng trang sức từ vàng, bạc và các hoạt động khác do các quy định hiện hành về thuế GTGT không có hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi, bổ sung thành: “Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Nếu doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ được tính tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra.

Trong đó, tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm: doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được và chênh lệch dương (+) lũy kế của cả kỳ tính thuế (tháng/quý/năm dương lịch) giữa giá bán ra và giá mua vào của hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý”.

NGỌC NGUYỄN

 
;
.