Quốc hội tiến hành thảo luận tổ 2 dự luật

Thứ Bảy, 08/06/2024, 09:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng ngày 8/6, tiếp tục Chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu đối với Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tổ đại biểu
Quang cảnh tại Tổ đại biểu Số 4.

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), ông Nguyễn Tâm Hùng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản nhất trí bố cục của Dự thảo Luật gồm 08 chương, 66 Điều. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 09 điều, bỏ 01 điều.

Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người tại Điều 5: đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào khoản 4, Điều 5: thêm “đối tượng yếu thế” và sửa thành: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách… vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế”. Vì theo đại biểu, các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người thiểu năng trí tuệ…  là đối tượng dễ bị tội phạm buôn bán người hướng đến và rất dễ bị tổn thương.

Đối với trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận; trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người tại Điều 19 và 20 tại Chương II, đại biểu Hùng nhận định 2 nội dung này kế thừa và thiết chế lại theo bố cục quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, mặc dù quá trình thực tiễn thi hành không có khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính logic, hệ thống và hợp lý về bố cục của dự luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chuyển Điều 19, 20 tại Chương 2 sang Chương VI của dự Luật - quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người sẽ hợp lý hơn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tổ

Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo tại Điều 26: Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa, bổ sung thay đổi thời hạn từ “3 ngày” thành “Ngay khi nhận được thông báo” tại khoản 2, Điều 26, vì đại biểu cho rằng nếu để 3 ngày thì quá lâu, sẽ không đảm bảo tính kịp thời. Việc tiếp nhận, xác minh cần phải cấp thiết xử lý ngay khi vừa tiếp nhận thông tin.

Về đối tượng bảo vệ tại Điều 34, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, lại khoản 3 Điều 34, nếu quy định là “người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, thì đối tượng sau dấu “,” sẽ trùng với với khoản 2 là “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”. Vì vậy, cần bổ sung sau dấu “,” cụm từ “người thân của” người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mới phù hợp.

Mặc khác, theo đại biểu trên thực tế có những người không phải người thân thích của nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nhưng vẫn tham gia các hoạt động hỗ trợ, phòng, chống và có nguy cơ gặp nguy hiểm, bị đe dọa bởi các đối tượng có hành vi mua bán người; đặc biệt đối với các cán bộ tại cơ sở hỗ trợ, cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân vào tạm lánh.

Từ đó, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc bổ sung thêm đối tượng được bảo vệ là “cá nhân tham gia bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân hoặc người đang trong quá trình xác định là nạn nhân trong trường hợp có nguy cơ bị đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm” vào Điều 34.

Về thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người tại Điều 62: Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung đối tượng hợp tác quốc tế là “tổ chức phi chính phủ” và sửa như sau: “…Tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức phi chính phủ trong việc tăng cường năng lực pháp luật…”  để đảm đầy đủ chủ thể liên quan trong hợp tác quốc tế.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về tội phạm mua bán người: Đại biểu Yến cho biết hiện nay, cơ sở dữ liệu về tội phạm mua bán người nằm trong cơ sở dữ liệu về phòng, chống tội phạm nói chung. Tuy nhiên trước thực trạng mua bán người đang diễn ra phức tạp và tinh vi có tính chất xuyên quốc gia.

Để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống tội phạm mua bán người và thuận lợi trong hợp tác quốc tế về vấn đề này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống mua bán người vào dự Luật.

Các đại biểu của trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng quan tâm tham gia góp ý đối với nhiều nội dung quan trọng khác của 02 Dự Luật trên (sửa đổi).

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

 

;
.