Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Thứ Ba, 18/06/2024, 10:57 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đa số các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn, đồng thời đề nghị cần rà soát đảm bảo nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) phải đảm bảo tương thích với các Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Thảo luận đối với các các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, các vị đại biểu cho rằng cần quy định cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bổ sung thêm chức năng "phản biện xã hội" cho phù hợp với nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Đối với phạm vi điều chỉnh (Điều 2): Hầu hết các đại biểu đề nghị cần rà soát điều chỉnh phù hợp, thận trọng, khách quan.

Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn Điều 5: Phần lớn các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận với phương án 1, nhưng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cơ chế ràng buộc phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam. Bên cạnh đó, có một số vị đại biểu lựa chọn phương án 2 và đề nghị phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt tác động liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6), nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đồng thời có quy định về chế tài xử lý, vi phạm.

Về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam (Điều 8), các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định “Mô hình tổ chức công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở” là như thế nào, để đảm bảo tính thống nhất.

Về thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam (các Điều 15, 16, 17): Các đại biểu thống nhất với dự thảo Luật về quyền giám sát và phản biện xã hội của công đoàn, tuy nhiên, đề nghị trong mỗi điều phải bổ sung thêm quy định về trách nhiệm hướng dẫn thực hiện của Tổng Liên đoàn lao động về nội dung giám sát, nội dung phản biện xã hội cụ thể cho các cấp công đoàn …

Bên cạnh đó các vị đại biểu cũng quan tâm, tập trung thảo luận đối với các chế định quan trọng khác của dự thảo Luật Công Đoàn (sửa đổi) liên quan đến các nội dung: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (Điều 11); Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội (Điều 12); Phát triển đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (Điều 19); Quyền của đoàn viên công đoàn (Điều 21); Trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn (Điều 24); Bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26; Bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn (Điều 27); Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 29 và Điều 30); Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn (Điều 32); Công khai tài chính công đoàn (Điều 33)…

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.