Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa

Thứ Ba, 18/06/2024, 16:54 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu Đỗ Văn Yên, Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chuẩn Hải Quân Việt Nam, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Phát biểu thảo luận tổ đối với dự Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc trình bày ngắn gọn, tránh trùng lắp, lập từ tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng và đề xuất chỉnh sửa thành “Điều 2. Đối tượng áp dụng: 1. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân người Việt Nam định cư ở Việt Nam; 2. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân người nước ngoài định cư tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đang hoạt động tại Việt Nam”.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đại biểu Yên cho biết dự thảo Luật chưa có giải thích từ ngữ về “Lễ hội”. Đại biểu cho biết hiện nay, việc quy định quản lý và tổ chức lễ hội đang được thực hiện theo Nghị định số 110 năm 2018 của Chính phủ, theo đó quy định gồm có: “Lễ hội truyền thống; Lễ hội văn hóa; Lễ hội ngành nghề; Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài”, nhưng tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này chỉ quy định về Lễ hội truyền thống.

Từ đó, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc bổ sung khái niệm “Lễ hội” vào Điều 3 để đảm bảo thống nhất thế nào là “Lễ hội”, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết các loại lễ hội.

Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và danh mục di sản văn hóa phi vật thể tại khoản 2, Điều 10, đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “phê duyệt và” vào trước cụm từ “công bố Danh mục” và sửa thành: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… phê duyệt và công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.” Để làm rõ và đầy đủ thẩm quyền của Chủ UBND cấp tỉnh.

Về phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Điều 20: Đại biểu Yên cho biết tên Điều luật là quy định phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tuy nhiên nội dung Điều luật lại chỉ quy định phân loại di tích lịch sử - văn hóa, không phân loại danh lam thắng cảnh, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại cách trình bày tại Điều này.

Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích tại Điều 25, đại biểu Yên cho biết chưa có quy định chủ thể có trách nhiệm cập nhật ranh giới khu vực bảo vệ di tích vào các bản đồ quy hoạch.

Hiện nay, trong thực tiễn xảy ra tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chồng lấn với ranh của đất di tích. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào khoản 6 Điều 25 quy định về việc cập nhật phạm vi ranh giới các Khu vực bảo vệ di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định vào bản đồ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, để đảm bảo thực hiện thống nhất.

Về dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích tại Điều 27: Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về tính chất, quy mô (mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng,…) nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng đối với các công trình, dự án nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích nhưng xét thấy có khả năng tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái của di tích.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 5 thêm nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để đảm bảo thống nhất trong thực hiện…

Tham gia thảo luận đối với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ông Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản thống nhất với bố cục của Dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận tổ.

Góp ý về về chính sách của Nhà nước về dược (Điều 7), đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát đối chiếu với Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 376 ngày 17/3/2021 để luật hóa đầy đủ một số chính sách quan trọng như: Ưu đãi về nguồn lực cho hoạt động quản lý nhà nước về dược, đáp ứng đủ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác quản lý và kỹ thuật; các chính sách và biện pháp hạn chế số thuốc trùng lặp lưu hành trên thị trường để đảm bảo đầy đủ, phù hợp với tình hình mới về quản lý và phát triển dược liệu.

Đối với lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược (Điều 8), đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo rà soát đảm bảo phù hợp thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư và Luật Khoa học công nghệ 2023, các Luật Thuế, Hải quan,... các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong các hình thức ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho phát triển công nghiệp dược.

Bên cạnh đó, để kêu gọi, khuyến khích, xã hội hóa trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một khoản vào Điều 8 là khoản 5 với nội dung: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo dược sĩ làm công tác phát triển công nghiệp dược, phát triển công nghiệp bào chế”.

Về hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược (khoản 7, Điều 24), quy định có “Phiếu lý lịch tư pháp”, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về thời hạn của Phiếu lý lịch tư pháp vì nội dung trong Phiếu lý lịch tư pháp chỉ có giá trị xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân đó tính đến thời điểm cấp Phiếu, còn sau thời điểm cấp Phiếu, cá nhân có thể lại phạm tội và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật (có án tích).

Theo đại biểu nếu không quy định thời hạn bao lâu của Phiếu lý lịch tư pháp dẫn đến nhiều khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện...

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia phát biểu nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với 02 dự Luật trên tại phiên thảo luận Tổ.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.