Quốc hội thảo luận tại tổ 2 dự luật quan trọng

Thứ Năm, 20/06/2024, 16:09 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, chiều 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ đại biểu đối với Dự Luật Địa chất và khoáng sản và Dự Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Tổ thảo luận số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Quang cảnh thảo luận Tổ.
Quang cảnh thảo luận Tổ.

Tham gia thảo luận, bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Song đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời cần làm rõ nội dung nào nằm trong luật này, nội dung nào nằm trong Luật Quản lý phát triển đô thị, phải rà soát rõ và cụ thể hơn.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận Tổ.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận Tổ.

Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn tại khoản 2 Điều 3 quy định về các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Yến cho biết điều luật chưa quy định rõ việc lập quy hoạch phân khu cho các khu vực đô thị hiện hữu. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thêm việc lập quy hoạch phân khu cho các khu vực đô thị hiện hữu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ về các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình kiến trúc từ trước khi công nhận là đô thị loại loại II và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương quy mô dân số đô thị loại II trở lên.

Về các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 5), đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp khu vực quy hoạch khu du lịch quốc gia nằm trên địa giới hành chính của 2 huyện, thành phố hoặc 2 tỉnh thì sẽ lập quy hoạch như thế nào. Vì điều luật không quy định vấn đề này.

Về quy hoạch chung huyện (Điều 26) và quy hoạch chung xã (Điều 27), đại biểu Yến đề nghị: Đối với quy hoạch chung huyện tại khoản 5 Điều 26, Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “quy hoạch chung xã” và sửa thành: “Quy hoạch chung huyện được phê duyệt là cơ sở để lập “quy hoạch chung xã”, quy hoạch phân khu khu chức năng trong huyện, quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng…”; Đối với Quy hoạch chung xã tại khoản 4, Điều 27 đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “điểm dân cư nông thôn và”,  sửa thành: “Quy hoạch chung xã được phê duyệt là cơ sở lập quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và khu vực xây dựng trong xã, thi tuyển phương án kiến trúc tại khu vực nông thôn…”. Vì đại biểu cho biết quy định như điều luật hiện nay trong dự thảo là chưa đầy đủ.

Về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 16) và thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 41), đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo xác định, làm rõ “khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng” tại khoản 3 Điều 16, khoản 1 Điều 41 và “khu vực có ý nghĩa quan trọng” tại  khoản 2 Điều 41 có khác nhau không. Xem xét  quy định rõ hơn và thống nhất về nội dung này tại các điều khoản nêu trên.

Bà Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị xem xét đối với thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thêm các thủ tục hành chính cho việc xin điều chỉnh quy hoạch các cấp.

Bên cạnh đó, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định chi tiết về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị, thành phố thuộc tỉnh và trung ương. Vì theo đại biểu đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai trong thực tiễn các giải pháp phát triển và định hình lại các khu đô thị nhằm đáp ứng những thách thức trong tương lai.

Góp ý đối với Dự Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết: Qua nghiên cứu khoản 6 Điều 10 dự thảo Luật có sửa dụng cụm từ “khoáng sản có giá trị, quý hiếm” nhưng tại Điều 3 dự thảo Luật không có giải thích khoáng sản có giá trị, quý hiếm là như thế nào, từ đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung khái niệm này vào Điều 3 để tránh tùy tiện khi áp dụng. Tương tự, tại điểm a khoản 3 Điều 102, có sử dụng cụm từ “khoáng sản không có giá trị sử dụng”, nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung khái niệm khoáng sản không có giá trị sử dụng vào giải thích từ ngữ tại Điều 3 để tránh mâu thuẫn với khái niệm về khoáng sản tại khoản 11 Điều 3: Là vật chất có ích.

Về giấy phép khai thác khoáng sản tại điểm b khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn (kể cả thời gian gia hạn) theo quy định mà khu vực được phép khai thác còn trữ lượng, thời hạn khai thác được xác định khi cấp lại giấy phép khai thác theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật này”. Tuy nhiên, đại biểu cho biết khi đối chiếu khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật, lại chưa có quy định về thời hạn khai thác. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về thời hạn tối đa khi cấp lại giấy phép khai thác đối với trường hợp này.

Về cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản tại khoản 4 Điều 60, đại biểu nhận thấy có quy định khi giảm công suất được tăng thời gian khai thác, nhưng điều luật chưa quy định rõ thời gian tối đa được tăng đồng thời cũng chưa nêu rõ có bị giới hạn về thời gian không quá 30 năm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 59. Từ đó, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung làm rõ vấn đề này.

Về yêu cầu chung bảo bệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Điều 82, đại biểu Yến cho rằng, quy định về bảo bệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Điều 82 không rõ, chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cải tạo, phục hồi môi trường. Vì vậy, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn phù hợp và thống nhất với Điều 67 và 137 Luật Bảo vệ môi trường, đó là: Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường; Ký quỹ bảo vệ môi trường; Lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia phát biểu nhiều ý kiến góp ý tích cực đối với 2 dự Luật trên tại phiên thảo luận Tổ.

Tin, ảnh: CHÂU VŨ

 

;
.