Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

Thứ Tư, 26/06/2024, 10:41 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng  26/6, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự Luật Di sản văn hoá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội trường.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội trường.

Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản đồng thuận về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, đại biểu Phúc cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ về chủ thể có trách nhiệm cập nhật ranh giới khu vực bảo vệ di tích vào các bản đồ quy hoạch. Trong khi đó, thực tiễn đã có tình trạng đất đai người dân đã sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu, trước khi cơ quan có chức năng khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích - bởi có những di tích tọa lạc trên đất đai của người dân gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử được phát lộ, công nhận sau thời gian dài người dân sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất, trong trường hợp này ít nhiều làm tác động, ảnh hưởng đến quyền của người dân; đồng thời đã xảy ra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chồng lấn với ranh của đất di tích, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ di tích. Bên cạnh đó còn có tình trạng nhiều di tích có số liệu từ bản vẽ khoanh vùng sai lệch so với diện tích thực tế, một số di tích có diện tích khoanh vùng tương đối rộng gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội; việc xác định khu vực bảo vệ I, bảo vệ II, thực hiện cắm mốc di tích còn chậm được thể hiện tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Từ đó, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo rà soát các nội dung có liên quan đến Luật đất đai (sửa đổi), Luật Quy hoạch và cân nhắc bổ sung làm rõ các khoản như nêu trên thuộc phạm vi Điều 25. Trong đó, chú ý quy định về việc cập nhật phạm vi ranh giới các Khu vực bảo vệ di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định vào bản đồ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, để bảo đảm thực hiện thống nhất. Đồng thời, đề nghị xem xét, bổ sung quy định tại Điều 27 về tính chất, quy mô về mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng,… đối với dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích và các dự án tọa lạc bên ngoài, xung quanh các khu vực có di tích nhưng xét thấy có khả năng tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái của di tích cần được bảo vệ nhằm thực hiện có trách nhiệm các biện pháp, giải pháp bảo tồn di sản đáp ứng yêu cầu bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian đối với những yếu tố gốc cấu thành di tích...

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị xem xét bổ sung quy định về thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản chìm đắm là di sản văn hóa trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam vào Điều 38 dự thảo Luật và phân cấp rõ thẩm quyền đối với nhiệm vụ phê duyệt phương án thăm dò, khai quật, trục vớt khẩn cấp, xử lý và chuyển giao tài sản chìm đắm là di sản văn hóa dưới nước tại các tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển trong địa giới hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Đồng thời bổ sung việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai quật khảo cổ cùng các nội dung khác có liên quan đến hoạt động vụ thăm dò, khai quật khảo cổ thay cho việc liệt kê như Khoản 3 Điều 38 dự thảo nhằm tránh thừa, thiếu đối tượng áp dụng. 

Nghiên cứu quy định tại Điều 63 về nhiệm vụ của bảo tàng và các Điều 41, 44, 48 về quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật...và đối chiếu thực trạng nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ, bảo quản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong môi trường phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật; đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện; trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin, ảnh: CHÂU VŨ

 

 

 

;
.