Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Thứ Sáu, 21/06/2024, 09:50 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 21/6, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên họp.

Đăng ký thảo luận và gửi bài phát biểu thảo luận hội trường đến Ban soạn thảo tiếp thu tại phiên họp đối với dự Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Việt Nam, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết cơ bản thống nhất với bố cục của dự thảo Luật.

Về bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên, đại biểu Yên cho biết ngoài các nội dung quy định về bảo đảm giữ bí mật cá nhân như dự thảo Luật tại Điều 13, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung: Quyết định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Bản án, quyết định của tòa án xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên là bị hại trong vụ án xâm hại tình dục, theo đại biểu đây là những nội dung cần thiết phải bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thanh niên mà dự thảo luật chưa đề cập.

Về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu thông tin tại điểm a khoản 3 Điều 38, quy định người chưa thành niên phạm tội thuộc các trường hợp: Tái phạm, tái phạm nguy hiểm, thì không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Song đại biểu nhận định theo nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự, thì: “án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”. Có nghĩa là, đối với người chưa thành niên ở độ tuổi dưới 16 tuổi, luật không đặt ra vấn đề tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Từ đó, đại biểu cho rằng quy định tại điểm a khoản 3 điều 38 chưa phù hợp với Bộ luật Hình sự; quy định này chỉ áp dụng đối với người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, chứ không phải đối với toàn bộ người chưa thành niên. Để bảo đảm việc diễn đạt dễ hiểu, tạo thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật, đại biểu Yên đề nghị chỉnh lý quy định này thành: “Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thuộc các trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm”.

Về quy định đề nghị người làm công tác xã hội tham gia tố tụng tại Điều 54, đại biểu cho biết trên thực tế, có những trường hợp người chưa thành niên cư trú ở địa phương này nhưng lại đến địa phương khác để thực hiện tội phạm và bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nơi đó phát hiện, xử lý. Vì vậy, theo đại biểu quy định đóng khung nhân viên công tác xã hội hoặc người làm công tác xã hội, công tác bảo vệ trẻ em hoặc công chức văn hóa, xã hội cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú tham gia tố tụng, có thể sẽ không phù hợp với các trường hợp khác địa bàn. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung việc lựa chọn nhân viên công tác xã hội, hoặc người làm công tác bảo vệ trẻ em, hoặc công chức văn hóa xã - hội nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đặt trụ sở tham gia tố tụng. Đồng thời đề nghị sửa khoản 1, Điều 54 như sau: trường hợp nhân viên công tác xã hội không thể tham gia tố tụng thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị người làm công tác bảo vệ trẻ em hoặc công chức văn hóa, xã hội cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú hoặc nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành đặt trụ sở tham gia tố tụng.

Về các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại điểm đ và e, khoản 1 Điều 127 quy định hai biện pháp ngăn chặn mới là “giám sát điện tử” và “giám sát tại nhà”; đại biểu Yên nhận thấy: Đối với biện pháp giám sát tại nhà về cơ bản là không ảnh hưởng lớn tới quyền con người, quyền công dân của người bị áp dụng. Tuy nhiên, biện pháp “giám sát điện tử” có tính chất nghiêm khắc và nặng nề hơn biện pháp giám sát tại nhà. Khi áp dụng, mọi hành vi, thói quen sinh hoạt, đi lại của người bị áp dụng đều bị theo dõi bởi một thiết bị điện tử, điệu này sẽ gây tác động, ảnh hưởng tới bí mật cá nhân, quyền riêng tư của người bị áp dụng, không bảo đảm nguyên tắc bảo đảm bí mật cá nhân quy định tại Điều 13 dự thảo luật. Mặt khác đây là quy định chưa có tiền lệ, ngay cả người đã thành niên cũng chưa bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này; cho nên đại biểu Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chưa quy định biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử đối với người chưa thành niên phạm tội, cần phải đánh giá tác động trên nhiều phương diện, cân nhắc tính khả thi trước áp dụng với người phạm tội nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng.

Cuối phiên thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tin, ảnh: CHÂU VŨ

 

;
.