.

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Cập nhật: 10:29, 03/06/2024 (GMT+7)

Sáng ngày 3/6, Các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Tham gia thảo luận Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) tại hội trường, Đại biểu Dương Tấn Quân Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Về nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 3, Điều 3 về súng săn và điểm b, khoản 2 là không rõ ràng, có thể sẽ gặp khó khăn trong việc phân loại và xử lý vi phạm nhất là tội danh tàng trữ vũ khí.

Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu thảo luận.
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu thảo luận.

Đại biểu phân tích khi các đối tượng tàng trữ các loại vũ khí tại điểm b, khoản 2 mà khai báo dùng vào mục đích săn bắn thì căn cứ Điều 306, Bộ Luật Hình sự 2015 chỉ có thể xử lý hành chính. Trong khi đó, nếu là vũ khí quân dụng thì phải khởi tố.

Do vậy, theo đại biểu cần phải xác định rõ không thể cùng một chủ thể “súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, sung nén hơi” lúc là vũ khí quân dụng, lúc lại là súng săn. Điều này dễ bị các đối tượng lợi dụng để lách luật, tránh bị xử phạt và xử lý nên đại biểu đề nghị ban soạn thảo sửa đổi cho phù hợp.

Đối với các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại Điều 24, theo đại biểu trên thực tế, trong công tác trấn áp tội phạm nguy hiểm, có vũ khí, đối tượng manh động chống trả, có những tình huống diễn ra trong thời gian rất ngắn, rất nhanh có thể ảnh hưởng ngay đến tính mạng của các chiến sỹ công an, quân đội đang làm nhiệm vụ, trong trường họp này không có thời gian để bắn chỉ thiên, hay thực hiện các hành động cảnh báo nữa. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung “trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng” có thể được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo.

Về vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao tại điểm đ, khoản  Điều 30, theo đại biểu ngoài lực lượng công an, quân đội được phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thì còn có một số tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển các loại vũ khí trên. Do đó cần bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan công an, cơ quan quân đội để khi cần thì việc phối hợp có thể diễn ra nhanh chống, kịp thời hơn…

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ tại khoản 15, Điều 5 quy định có hành vi “báo cáo không kịp thời … về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” là hành vi bị nghiêm cấm. Theo đại biểu “Không kịp thời” là khái niệm chưa rõ, nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên quy định theo hướng định lượng theo hướng phải xác định thời gian vi phạm nghĩa vụ báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu thảo luận.

Đối với quy định: Trường hợp mang nhiều hơn 10 khẩu súng ngắn hoặc chủng loại khác và cơ số đạn, phụ kiện kèm theo (nếu có) phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an tại khoản 1, Điều 13, theo đại biểu dự thảo Luật chưa làm rõ trình tự, thủ tục xin chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Công an để mang nhiều hơn số lượng súng ngắn cho phép là như thế nào. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có điều chỉnh cụ thể nội dung này để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.

Bên cạnh đó, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định tại điểm a, khoản 1 và điểm a khoản 4, Điều 10 của Dự thảo Luật, theo đó vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp “hợp nhất, sát nhập”.

Đại biểu Hùng phân tích nếu tổ chức, doanh nghiệp hợp nhất, sát nhập không làm thay đổi điều kiện được trang bị, cấp phép thì vẫn được phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ mà không bị thu hồi, chỉ cần thực hiện thay đổi tên của chủ thể được quản lý, sử dụng là được.

Viện dẫn khoản 4 Điều 15 Dự thảo Luật “việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật do cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện”, Đại biểu Hùng nhận định, đây là một quy định suy đoán nhằm đảm bảo tính an toàn khi sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh, đòi hỏi phải có chuyên môn về điện ảnh. Do đó, nếu chỉ cho phép cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện, có thể đưa đến sự quan ngại về tính phù hợp với yêu cầu khi thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Mặt khác, theo đại biểu nêu lập luận nghi vấn là cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật theo cơ chế nào. Là một dạng cung cấp dịch vụ hay là hình thức nào khác.

Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này theo hướng yêu cầu về mặt an toàn, phòng chống cháy nổ, chuyên môn của người thực hiện khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ còn tính năng, tác dụng và vật liệu nổ để làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật thay vì quy định cứng là phải do “cơ quan chuyên môn của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng thực hiện”.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại phiên thảo luận.

Quan tâm đến pháo hoa là một loại vật liệu nổ đang được người dân sử dụng; Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có quy định, điều chỉnh đối với pháo hoa vào dự thảo luật.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

 

.
.
.