.

Quốc hội thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Cập nhật: 10:28, 17/06/2024 (GMT+7)

Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với đề xuất của Chính Phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chủ trương đầu tư Chương trình).

Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên họp.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên họp.

Tại phiên thảo luận, đa số các vị đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát làm rõ: nguồn kinh phí được sử dụng từ nguồn nào, lấy từ đâu để bảo đảm khi điều chỉnh đối tượng, phạm vi, địa bàn đầu tư với số kinh phí 4142,8 tỷ đồng; việc điều chỉnh này có làm ảnh hưởng đến các dự án khác hay không, có làm thay đổi vốn, đối tượng, mục tiêu được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội không, rà soát hết đối tượng chưa…

Về đề nghị điều chỉnh, ghi rõ vốn của Chương trình tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp: Hầu hết các vị đại biểu đề nghị Quốc hội không nên xem xét điều chỉnh, vì thời gian thực Chương trình còn rất ngắn; Quốc hội đã phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và Chính phủ thông báo vốn sự nghiệp đến năm 2025 cho các dự án, tiểu dự án. Mặt khác, vừa qua Quốc hội giám sát đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương không phản ánh vướng mắc liên quan đến nội dung này.

Về điều chỉnh phạm vi, bổ sung một số danh mục đầu tư đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa: Đa số ý kiến của các vị đại biểu thống nhất quan điểm điều chỉnh phạm vi, bổ sung danh mục, nhưng đề nghị Chính phủ cân nhắc, giải trình, xác định các danh mục cụ thể, nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục để bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm vào vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã mới hoàn thành Chương trình nông thôn mới đúng theo tinh thần Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; trong đó nâng mức sinh hoạt phí cho học sinh bán trú, nội trú, học nghề bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Về lĩnh vực văn hóa, các vị đại biểu cho rằng, mặc dù Chính phủ chưa xác định, bổ sung được danh mục cụ thể, nhưng đây là nội dung quan trọng, đã được bố trí vốn, vì vậy đề nghị Quốc hội cho triển khai ở Chương trình này và giao cho Chính phủ rà soát, lựa chọn quyết định danh mục cụ thể, nhưng phải gắn văn hóa với phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung thêm đối tượng đầu tư các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề, trường cao đẳng… không thuộc phạm vi đầu tư của Chương trình, nhưng có vai trò, ý nghĩa lớn vì có tỷ lệ cao con, em đồng bào đang theo học.

Các đại biểu cũng quan tâm đề nghị Chính phủ cam kết việc điều chỉnh này và với thời gian còn rất ít cần bảo đảm giải ngân; không để tình trạng sang năm lại trình điều chỉnh tiếp vì những công trình y tế, giáo dục, trường học đang đầu tư dở dang mà chưa xong thì không thể dừng được…

Từ đó, các vị đại biểu cho rằng Chính phủ cần phải có cam kết, rõ về trách nhiệm cũng như là những giải pháp cụ thể trước Quốc hội, đồng thời đề nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan đến các dự án còn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình như: Hỗ trợ về nhà ở, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng dược liệu quý, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bổ sung xã hoàn thành nông thôn mới vào đối tượng thụ hưởng, sửa Quyết định số 1719/QĐ-TTg…

Cuối phiên thảo luận Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

.
.
.