Hòa vào dòng chảy chuyển đổi số

Thứ Năm, 20/06/2024, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ và internet, cơ quan báo chí đã nhanh chóng hòa vào dòng chảy chuyển đổi số. Việc này nhằm xây dựng các đơn vị hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng và phụng sự bạn đọc, khán giả.

Kỹ sư Phòng chương trình giải trí của BRT đang thực hiện truyền dẫn phát sóng các chương trình của đài.
Kỹ sư Phòng chương trình giải trí của BRT đang thực hiện truyền dẫn phát sóng các chương trình của đài.

Tối ưu hóa quá trình hoạt động

Báo Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Hiện nay, việc sản xuất báo in và báo điện tử của báo được thực hiện trên các phần mềm gồm: CMS dành cho báo điện tử và phần mềm Quản lý tòa soạn dành cho báo in. Không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý tin, bài, mà còn đem lại các tiện ích giúp phóng viên thuận lợi nhất trong tác nghiệp, đặc biệt là tại các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của tỉnh.

Nhà báo Nguyễn Văn Tiện, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, các phần mềm này đã mang lại hiệu quả, thuận tiện cho hoạt động xuất bản báo hơn so với trước. Ở bất kỳ đâu, chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, phóng viên cũng có thể gửi tin, bài, ảnh về tòa soạn, còn ban biên tập thì dễ dàng duyệt tin, bài mà không cần có mặt tại tòa soạn. Chuyển đổi số cũng giúp báo tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm so với cách làm truyền thống trước đây, trong đó nhiều nhất là giấy mực để in bản thảo.

Bên cạnh đó, trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu còn sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo… để lập các nhóm nội bộ phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ thông tin và quá trình tác nghiệp. Báo còn lập Fanpage, chia sẻ tin, bài, video clip từ báo điện tử nhằm tiếp cận nhiều bạn đọc hơn.

Fanpage Báo Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 22.000 lượt thích và hơn 31.000 lượt theo dõi. Qua Fanpage, báo đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi có giá trị của người dân đối với thông tin trên báo chí, những vấn đề bức xúc trong đời sống, từ đó gợi mở đề tài cho phóng viên thực hiện, cũng như chuyển tải thông tin giúp cho công tác quản lý, điều hành của tỉnh và các địa phương ngày càng tốt hơn. Cũng nhờ tăng cường giới thiệu tin, bài trên Fanpage mà lượng truy cập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày đạt từ 45.000-50.000 lượt, cao điểm có ngày lên tới gần 100.000 lượt truy cập.

Phóng viên Phan Quang Vinh (Báo Bà Rịa -Vũng Tàu) trong một lần tác nghiệp.
Phóng viên Phan Quang Vinh (Báo Bà Rịa -Vũng Tàu) trong một lần tác nghiệp.

“Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng dự án chuyển đổi số tòa soạn. Sau khi dự án được phê duyệt và triển khai, Báo sẽ có điều kiện để phát triển, mở rộng thêm nhiều sản phẩm, đa dạng hóa loại hình báo chí hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển báo chí đa phương tiện, xứng đáng là kênh thông tin chính thống tin cậy, nhanh chóng, chính xác của bạn đọc, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà”, nhà báo Nguyễn Văn Tiện thông tin thêm.

Trong thời đại công nghệ số, Đài PT-TH (BRT) tỉnh cũng xác định và thực hiện hoạt động theo xu hướng truyền thông đa nền tảng, tạo ra nhiều kênh tiếp cận thông tin cho khán giả. Hiện đài đang quản lý và vận hành website brt.vn, App BRTGo, 4 kênh Youtube, 1 kênh Tiktok và 1 trang Facebook. Các sự kiện chính trị, văn hoá nghệ thuật được BRT livestream (phát trực tiếp) trên các kênh này đã thu hút nhiều lượt xem và tương tác từ khán giả. Người xem có thể theo dõi các chương trình từ mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn bởi khu vực địa lý.

BRT còn sử dụng công nghệ AI, với các giọng đọc tự động, giúp việc xuất bản các bản tin audio tới khán giả nhanh hơn, tiết kiệm chi phí so với cách làm truyền thống. Nhờ ứng dụng công nghệ truyền thông nên số lượt truy cập trên website, App BRT Go, BRT Audio AI ngày càng tăng, trung bình hơn 5.000 lượt/ngày. Các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Facebook, Tiktok có lượt truy cập trung bình đạt hơn 50.000 lượt /ngày.

Việc BRT thực hiện truyền thông đa nền tảng sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng phạm vi tiếp cận khán giả và tối ưu hóa quá trình sản xuất, lao động của đội ngũ nhân viên.

Thuận lợi cho nhà báo

Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho đội ngũ phóng viên tham gia vào quá trình tác nghiệp, hoàn thiện sản phẩm báo chí.

Nhà báo Hoàng Thị Bích Ngọc, thường trú Báo Người Lao Động tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, từ năm 2023, cơ quan đã ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung báo chí số, trong đó có các công cụ ChatGPT, Gemeni, Copilot… giúp phân tích dữ liệu, tóm tắt các nội dung. Điều này đã hỗ trợ phóng viên đi đúng trọng tâm vấn đề muốn đề cập đến. Đồng thời, giúp nhà báo đưa thông tin chi tiết hơn, đánh giá dữ liệu một cách chính xác và thậm chí giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Trong một số tin, bài không thể sử dụng hình ảnh thực tế, công nghệ AI sẽ giúp phóng viên tạo nên những bức ảnh minh hoạ đầy sinh động cho bài viết.

Nhà báo Bích Ngọc chia sẻ thêm, hiện các nhà báo đã chủ động áp dụng công nghệ vào quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí mang lại nhiều tiện ích và hiệu quả cho các người làm báo. Nếu như trước đây, nhà báo chụp tài liệu, ghi âm và rã ghi âm trích nội dung để viết bài. Nay có thể áp dụng công nghệ để tự rã băng ghi âm, chuyển đổi từ file hình ảnh sang dạng văn bản, thậm chí hoàn chỉnh một bản tin bằng các câu lệnh. “ Tôi đã áp dụng nhiều thiết bị công nghệ vào quá trình tác nghiệp. Không chỉ viết tin, bài, chụp ảnh, còn tôi còn phải quay video, dựng phim, làm podcast, E-Magazine… để hoàn thiện sản phẩm báo chí nhanh nhất, giúp bạn đọc tiếp cận thông tin một cách thuận lợi và nhanh chóng”.

Phóng viên Phan Quang Vinh, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, Internet và các ứng dụng số giúp người làm báo có thêm nhiều thuận lợi trong tác nghiệp. Nhờ công nghệ, phóng viên, nhà báo dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm thông tin nhanh chóng, có tính chính xác cao phục vụ cho các bài viết.

“Chuyển đổi số là thời cơ, nhưng cũng là thách thức cho người làm báo. Với xu hướng phát triển các sản phẩm báo chí số, báo chí đa phương tiện mạnh mẽ như hiện nay, chúng tôi càng nỗ lực bắt kịp “dòng chảy” chuyển đổi số. Cơ quan cũng đã tạo nhiều điều kiện, tổ chức nhiều khóa học nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và khả năng ứng dụng công nghệ trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu của một phóng viên đa phương tiện trong tình hình mới”, phóng viên Quang Vinh nói.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.