Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu: Góp ý về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Thứ Bảy, 08/06/2024, 16:38 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Tổ thảo luận Số 4, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự Thảo luận tổ Số 4 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét về giải thích từ ngữ tại khoản 6, Điều 3 về “Đơn vị sử dụng lao động”, nhưng không trong phần giải thích không có đối tượng là “hợp tác xã”, trong khi đó tại khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Lao động giải thích từ ngữ “Người sử dụng lao động”: là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “hợp tác xã” vào nội dung giải thích từ ngữ của khái niệm này và sửa lại thành: “Đơn vị sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có tuyển dụng, sử dụng lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận và trả lương theo quy định của pháp luật” cho phù hợp với Bộ luật Lao động.

Đối với quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công Đoàn tại Điều 5, đại biểu Hùng cho biết ủng hộ Phương án 1, vì có điều chỉnh đến quyền thành lập, gia nhập công đoàn của người nước ngoài.

Tuy nhiên, cần có phương án về thành lập tổ chức công đoàn tại nước ngoài, vì Công đoàn tại Việt Nam không thể ký các thỏa ước lao động tập thể với đơn vị hoạt động ở nước ngoài, nên theo đại biểu cần có những quy định cụ thể. Ngoài ra cần có quy định điều kiện người lao động nước ngoài chỉ được gia nhập và hoạt động công đoàn, để đảm bảo tính ổn định cũng như vai trò định hướng của Đảng trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ.

Về những hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 10 có quy định “Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn” là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo đại biểu hành vi được xem là “cản trở, gây khó khăn” cụ thể là những hành vi như thế nào thì Luật không quy định.

Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung định nghĩa của hành vi “cản trở, gây khó khăn” vào nội dung của dự Luật.

Về các quy định liên quan đến tài chính công đoàn quy định tại Điều 29, 30, 33: Đại biểu Hùng cho biết thống nhất việc giữ nguồn thu phí công đoàn 2% - kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, theo Điều 26 luật Công đoàn 2012, được tiếp tục kế thừa tại khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần minh bạch và công khai rõ ràng, nên bổ sung quy định về công khai nguồn thu phí công đoàn 2% tại Điều 33 dự thảo chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định điều chỉnh đối với nơi không có công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ bảo vệ quyền lợi người lao động như thế nào, việc đóng góp 2% kinh phí thực hiện thế nào; tổ chức, cá nhân nào được giữ nguồn kinh phí này.

Đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, đại biểu Hùng bày tỏ ủng hộ phương án 2, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 (do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động) công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vì theo đại biểu phương án này đảm bảo tính hài hoà và phù hợp với tính chất hoạt động của tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu thêm việc điều chỉnh mức phân phối kinh phí công đoàn theo hướng tăng thêm tỷ lệ phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để chăm lo cho người lao dộng và tổ chức thực hiện các hoạt động tại doanh nghiệp tốt hơn nữa.

Các đại biểu của trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng quan tâm tham gia góp ý đối với nhiều nội dung quan trọng khác của Dự Luật Công Đoàn (sửa đổi).

Quan tâm đến việc tham gia tổ chức công đoàn của người nước ngoài, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã thảo luận xung quanh các quy định của dự thảo luật về nội dung này và chế định về  cán bộ công đoàn. 

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

 

;
.