.

Cần xã hội hóa các nguồn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 18:05, 26/06/2024 (GMT+7)

Ngày 26/6, phiên thảo luận hội trường trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội trường chiều 26/6. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội trường chiều 26/6. Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung chính sách hợp tác công - tư

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng với các tổ chức, cá nhân như các hội trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, KH-CN.

“Ngoài Hội KH-CN thì Hội Khoa học lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã và đang tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như khi tiến hành các công việc giám định di vật, cổ vật. Điều 39 dự thảo Luật có quy định yêu cầu chuyên môn khi giám định có liên quan đến lịch sử niên đại của di vật, cổ vật. Cần xem xét bổ sung nội dung này”, đại biểu Phúc nói.

Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, theo đại biểu Phúc, công tác này không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản; đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Nghiên cứu Điều 63 tại dự thảo Luật về nhiệm vụ của bảo tàng; Điều 41, 44, 48 về quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật và thực trạng nhiều hiện vật sau khi được khai quật, thu thập chưa thực sự được bảo vệ, bảo quản, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong môi trường, phù hợp với các yêu cầu về quản lý, trưng bày hiện vật, đại biểu Phúc kiến nghị, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất cần bổ sung hợp tác công - tư về phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn phát huy giá trị và sáng tạo các di sản văn hóa mới.

Đề xuất thành lập trung tâm kiểm nghiệm vùng

Góp ý dự thảo Luật Dược (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Dược. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế cần phải kiểm tra, đánh giá, có giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm kiểm nghiệm tại các tỉnh để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Lý do là hiện nay trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh chỉ kiểm nghiệm được một số loại thuốc, nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng đủ, một số loại hóa chất, chất chuẩn không có để thực hiện kiểm nghiệm.

“Đề nghị nên xem xét thành lập trung tâm kiểm nghiệm vùng, khi đó các Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh sẽ lấy mẫu và gửi về Trung tâm Kiểm nghiệm vùng. Nhà nước chỉ cần tập trung đầu tư cho Trung tâm Kiểm nghiệm vùng về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị, hóa chất đầy đủ thì sẽ hoạt động hiệu quả hơn là đầu tư cho tất cả các Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh. Vì có một số loại thiết bị, hóa chất, chất chuẩn đặt biệt chỉ dùng riêng cho một số thuốc nên nếu đầu tư dàn trải sẽ rất lãng phí, không đạt hiệu quả cao”, đại biểu  Quân đề xuất.

AN NHIÊN

.
.
.