Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không Nhân dân.
Trong chương trình, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; biểu quyết thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không Nhân dân; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản tán thành với nhiều nội dung, bố cục của dự án Luật Phòng không Nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng một số điều, khoản của dự Luật cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội trường về dự án Luật Phòng không Nhân dân . Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền đình chỉ bay tại khoản 2, Điều 30 thì cũng nên xem xét phân cấp thẩm quyền cấp phép bay để thống nhất cấp nào cấp phép thì cấp ấy có thẩm quyền đình chỉ bay để công tác quản lý thuận lợi, chặt chẽ; đồng thời, giảm bớt thủ tục cho tổ chức, cá nhân. “Một số hoạt động bay có thời gian ngắn 2 đến 3 giờ phải xin phép Bộ Quốc phòng, thời gian chờ cấp phép là 10 ngày theo quy định hiện hành có thể tạo nên khó khăn trong thực hiện thủ tục xin phép hoạt động bay”, đại biểu Phúc dẫn chứng.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất nên bổ sung quy định nghiêm cấm tình trạng ủy quyền sau khi được cấp giấy phép hoạt động bay, để bảo đảm rằng tổ chức, cá nhân nào đăng ký hoạt động bay thì chỉ có tổ chức, cá nhân đó hoạt động bay. Từ đó, bảo đảm cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chặt chẽ hơn.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu về dự án Luật Phòng không Nhân dân. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không Nhân dân. Ngoài ra, đại biểu cho rằng: Điều 28 của dự thảo Luật đã có quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, tuy nhiên, chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định này.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 29 quy định, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không” với những tiêu chí cụ thể. Theo đại biểu, tiêu chí cần đặt ra là được đào tạo bài bản, có chứng chỉ để đảm bảo an toàn hàng không.
AN NHIÊN