Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ Tư, 22/05/2024, 11:08 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 22/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành xem xét Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Chính phủ trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình tại phiên họp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trình bày Tờ trình tại phiên họp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương cùng tham gia chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

So với các chương trình MTQG, tỷ lệ giải ngân của Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi đạt kết quả tương đối khả quan. Tuy nhiên, về tổng thể thì kết quả giải ngân của Chương trình còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn tương đối thấp, uớc thực hiện đến hết tháng 4 năm 2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt 21% kế hoạch.

Về một số nội dung điều chỉnh cụ thể, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết Chính phủ đề xuất:

 Theo điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”. Tuy nhiên nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ, lồng ghép nguồn vốn thực hiện Chương trình, do vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình chưa được quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình là “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.

Tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình quy định đối tượng Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 88/2019/QH14 gồm: “Xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn”.

Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh làm rõ hơn đối tượng cụ thể thuộc diện đầu tư của Chương trình có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: "Một số đơn vị sự nghiệp công lập là trường dự bị Đại học, Đại học, trường chuyên biệt; các trường phổ thông dân tộc nội trú; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện của huyện có xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN".

Bộ trưởng cho biết 2 đề xuất nói trên là những vấn đề cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.