Quốc hội thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thứ Ba, 28/05/2024, 15:02 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận đối với Dự Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho biết: Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều).

Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Thành phố) trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật.

Tham gia thảo luận tại hội trường, các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến các nội dung của dự luật trong thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TW của Trung ương về xây dựng Thủ đô Hà Nội là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế”.

Gửi bài thảo luận đến Ban soạn thảo tại phiên họp, ông Nguyễn Tâm Hùng, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Về vị trí, vai trò của Thủ đô (Điều 2), đề nghị ban soan thảo cân nhắc điều chỉnh theo hướng Thủ đô là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm về văn hóa, giáo dục, đào tạo, công nghệ, kinh tế, hội nhập quốc tế của cả nước, nơi đặt trụ sở… để bảo đảm logic.

Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí để xác định thế nào là cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và chủ thể xác định cơ chế này tại khoản 2 Điều 4, cơ chế xử lý trong trường hợp văn bản ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực quy định cơ chế không thuận lợi khi áp dụng với Thủ đô.

Về tổ chức chính quyền đô thị tại Chương II, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung 01 điều quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND ở Chương II theo hướng xác định rõ các cơ quan chuyên môn thành phố Hà Nội bắt buộc phải thành lập theo quy định của Chính phủ, đồng thời cho phép thành phố Hà Nội được tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mình theo tiêu chí của Chính phủ và Chính phủ chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý việc thực hiện.

Đối với tổ chức chính quyền ở thành phố Hà Nội (Điều 8), đại biểu tán thành mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội như dự thảo Luật nhưng đề nghị Chính phủ có giải trình cụ thể về việc không áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với HĐND thành phố Hà Nội (Điều 9), đề nghị quy định cụ thể khung tối đa số lượng cơ quan chuyên môn mà thành phố Hà Nội có thể được thành lập.

Về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (Điều 15), đại biểu cho rằng việc quy định chế độ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức ở Thủ đô cần bảo đảm thống nhất với chủ trương cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Về liên kết phát triển vùng tại Chương V, đại biểu đề nghị xác định rõ các địa phương thuộc vùng Thủ đô trong dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn trong việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung các lĩnh vực thực hiện liên kết phát triển vùng bảo đảm thể chế hóa đầy đủ lĩnh vực như đã xác định trong Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

;
.