Quốc hội thảo luận Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ Tư, 22/05/2024, 15:44 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 22/5, tiếp tục Chương lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp

Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới, gộp 04 điều thành 02 điều, tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác; UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 02 điều (Điều 33 và Điều 54).

Về phạm vi điều chỉnh: UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý tại các điều có liên quan trong dự thảo Luật; đồng thời điều chỉnh nội dung giữa hai dự thảo Luật theo nguyên tắc: Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ (GTĐB), phương tiện GTĐB, người tham gia GTĐB, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn GTĐB; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, nên UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng đối với các điều khoản quy định về: Quy tắc giao thông đường bộ (Chương II); phương tiện giao thông đường bộ (Chương III); về đấu giá biển số xe; về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương IV); về tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương V); về chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VI); về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (Chương VII); về quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VIII) và một số nội dung khác của dự thảo Luật.

Quan tâm đến nội dung “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” chưa được cân nhắc tiếp thu trong dự thảo Luật, tại phiên thảo luận Hội trường, ông Nguyễn Tâm Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi bài phát biểu thảo luận đến Ban soạn thảo bày tỏ băn khoăn với quy định tại khoản 2 điều Điều 10 của dự luật nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh: Như nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích, có những trường hợp người dân sử dụng thực phẩm lên men như: Nước trái cây, cơm rượu, hoặc vì lý do cơ địa cũng dẫn đến nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0mg/100ml máu hoặc trên 0mg/1 lít khí thở. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và đưa ra các luận điểm, luận cứ khoa học đầy đủ, thuyết phục hơn nữa. Trên cơ sở đó, đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, cần sửa đổi, bỏ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0 và nên quy định mức tối thiểu để phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, cần có quy định ngưỡng nồng độ cồn lớn hơn 0 nhưng ở mức phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với nồng độ cồn sẽ do Chính phủ quy định chi tiết điều này. Đồng thời, cần nâng cao mức xử phạt với các trường hợp vượt ngưỡng nồng độ cồn để mang tính răn đe, hạn chế tối đa vi phạm.

Đối với các quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại Điều 56, 57, 59: Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Điều 56, Điều 57, Điều 59 quy định về người đủ 16 tuổi trở lên điều khiển xe gắn máy phải có giấy phép lái xe phù hợp và như vậy cần phải bổ sung thêm quy định về loại giấy phép lái xe phù hợp với đối tượng này. Đồng thời, bổ sung thêm quy định đối với đối tường từ 14 -16 tuổi điều khiển các loại phương tiện như: Xe đạp điện, xe máy điện... phải có chứng nhận đã qua đào tạo kiến thức cơ bản để tham gia giao thông, vì theo đại biểu trên thực tế: Người đủ 16 tuổi trở lên điều khiển xe gắn máy cần phải được đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe thì mới nắm được quy định của pháp luật và các kỹ năng điều khiển xe gắn máy, để khi tham gia giao thông được an toàn.

Bên cạnh đó, người từ 14 - 16 tuổi vẫn cần có chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức về các quy định để đủ điều kiện tham gia giao thông vì các phương tiện như: Xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối có vận tốc khi tham gia giao thông không nhỏ (có thể lên đến 50km/h). Đồng thời cùng tham gia chung với tất cả các phương tiện khác trên đường cùng chịu sự điều chỉnh của các quy định, quy tắc khi tham gia giao thông... thì không thể không có quy định để quản lý nhóm đối tượng này, nhằm bảo vệ tính mạng và sự an toàn cần thiết cho nhóm đối tượng nằm ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Điều 87: Đại biểu Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trách nhiệm của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vào Điều 87 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vì Theo Quyết định 22 ngày 22/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì “Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và triển khai các giải pháp liên ngành nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi cả nước”, do đó việc cân nhắc bổ sung trách nhiệm của cơ quan này vào Điều 87 theo đại biểu là cần thiết.

Cuối phiên thảo luận, lãnh đạo Bộ Công an sẽ giải trình các nội dung mà các đại biểu quan tâm, có ý kiến.

CHÂU VŨ-MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

 

;
.