Chiều 21/5, tiếp tục chương trình lập pháp tại của Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản |
Báo cáo với Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 17 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi. Tuy nhiên, đối với những nội dung khác chưa được đưa vào dự thảo Luật lần này, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, tổng kết khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản.
Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý một số nội dung quan trọng sau:
Về thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá: Đại biểu Quân cho biết qua nghiên cứu khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi khoản 5 Điều 17 Luật Đấu giá tài sản, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm quy định người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá không được cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá trong trường hợp bị kết án do có hành vi vi phạm hoạt động đấu giá tài sản, vì trong thực tiễn đã xảy ra.
Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Về hình thức hành nghề của đấu giá viên, Đại biểu Quân nhận định: Hiện nay, tại Điều 18 Luật Đấu giá tài sản chưa quy định đấu giá viên không được kiêm nhiệm nghề khác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, do đó vẫn đang còn tình trạng đấu giá viên kiêm nhiệm nghề khác trong đó có luật sư, nên hầu hết hoạt động đấu giá được xem như một nghề tay trái, không ổn định, không tâm huyết, thường thay đổi nơi làm việc.
Do đó, để đảm bảo đấu giá viên hành nghề thực chất, đảm bảo tính ổn định, chuyên nghiệp, hiệu quả và sự phát triển của nghề đấu giá, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định đấu giá viên không được kiêm nhiệm các nghề khác.
Về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, đại biểu Quân cho biết đối với quy định: “Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cũ ra quyết định hủy Giấy đăng ký hoạt động đã cấp và công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo cấp Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp của Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới” tại khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 26 Luật, đại biểu nhận thấy nội dung này chỉ mới quy định việc ban hành Quyết định hủy Giấy đăng ký hoạt động đã cấp, tuy nhiên để tránh trường hợp tổ chức đấu giá này sử dụng Giấy vào mục đích không phù hợp, vi phạm pháp luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định cụ thể về trình tự thu hồi Giấy đăng ký hoạt động cũ của tổ chức hành nghề đấu giá khi đã được Sở Tư pháp tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Về đăng ký tham giá đấu giá, tại khoản 23 Điều 1 dự thảo Luật đã bổ sung khoản 2b vào sau khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định: Trong quá trình xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá, người có tài sản có thể yêu cầu người tham gia đấu giá bổ sung hồ sơ để chứng minh điều kiện tham gia đấu giá nếu hồ sơ chưa thể hiện rõ các điều kiện.
Về đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đại biểu viện dẫn điểm b, khoản 26 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 42 của Luật quy định “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá”. Đối chiếu quy định này với trên thực tế, các Đấu giá viên không đấu giá tiếp ngay sau khi công bố các phiếu trả giá đối với tài sản có từ 2 người trở lên cùng giá trả cao nhất mà dừng lại để công bố phiếu trả giá của các tài sản khác trong cuộc đấu giá rồi mới quay trở lại đấu giá tiếp. Tuy nhiên, cách thực hiện này đã tạo khoảng thời gian trống nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ việc đấu giá tiếp phải thực hiện liên tục, ngay sau khi công bố các phiếu trả giá cao nhất đối với tài sản đó.
Về lưu trữ hồ sơ, tại khoản 35 Điều 1 sửa đổi Điều 54 của Luật đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung nội dung về thành phần hồ sơ đấu giá lưu trữ để bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng, khoa học trong thực hiện lưu trữ, phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Về hủy kết quả đấu giá, Đại biểu Quân cho rằng khoản 42 Điều 1 dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản là chưa chính xác mà phải là khoản 5 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản, đồng thời đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung việc hủy kết quả đấu giá trong trường hợp người có tài sản có sai sót trước khi đưa tài sản ra đấu giá…
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)