Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đường bộ

Thứ Ba, 21/05/2024, 10:51 [GMT+7]
In bài này
.

* Cần quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với trạm thu phí đã ngưng hoạt động 

Sáng 21/5, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Báo cáo với Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều.

Dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi của dự thảo Luật, trong đó tập trung rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Phí và lệ phí...; nhất các nội dung có sự giao thoa giữa hai dự thảo Luật…

Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do chưa có quy định xử lý liên quan đến thực trạng việc các trạm thu phí ngưng hoạt động mà không chịu tháo dỡ để trả lại mặt đường, tạo nên sự bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông.

Dẫn chứng việc này, đại biểu Phúc cho biết tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có dự án BOT - Quốc lộ 51 do Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư không tháo dỡ tài sản tại các Trạm Thu phí trên tuyến Quốc lộ 51 sau khi đã hết thời hạn thu phí. “Trường hợp có những vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các nơi này nhưng do chưa có quy định chế tài nên trách nhiệm, thiệt hại nếu có xảy ra không thuộc về ai khác ngoài người dân” - Đại biểu Phúc nêu.

Từ đó, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung vào Khoản 3 Điều 39 hoặc Điều khoản phù hợp Luật Đường bộ về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với trạm thu phí đã ngưng hoạt động.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường.

Liên quan đến quy định về việc xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo và biển tuyên truyền “không đươc che khuất biển báo hiệu đường bộ; không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông” tại Khoản 2, Điều 18, Đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần xem xét bổ sung quy định “không xây dựng, lắp đặt các biển quảng cáo hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh… gây mất tập trung cho người tham gia giao thông tại các giao lộ, vòng xoay”.

Bởi, thực tế tại các giao lộ, vòng xoay nơi cần sự tập trung cao độ khi điều khiển phương tiện giao thông lại có những biển quảng cáo sử dụng công nghệ, hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh… khác biệt, bất ngờ, thu hút sự chú ý và có tác động đến người điều kiển phương tiện giao thông.

Đồng thời, Đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định việc tham gia, phối hợp của các cơ quan nhà nước và địa phương đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời nhằm đảm bảo sự chặt chẽ trong quản lý, lập đề án khai thác theo quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, kết cấu hạ tầng đường bộ.

Đối với quy định “Không mang theo hàng nguy hiểm, hàng cấm, hàng lậu, động thực vật hoang dã, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của hành khách” tại điểm c, khoản 2, Điều 60 dự thảo Luật, theo Đại biểu Phúc đây là quy định cần thiết để hành khách thực hiện quyền và trách nhiệm khi tham gia hoạt động, sử dụng dịch vụ vận tải.

Tuy nhiên, để quy định được cụ thể hơn, tránh quy định chung chung gây khó khăn cho đơn vị vận tải và hành khách, Đại biểu Phúc đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định danh mục như quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 60.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp.

Đối với hành vi “điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông trái với quy định của pháp luật” tại Điều 7, Đại biểu Phúc cho rằng nhằm đảm bảo tính chặt chẽ giữa Luật này và quy hoạch, cần phòng tránh việc điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông tùy tiện làm ảnh hưởng hoặc phá vỡ các quy hoạch trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các lĩnh vực khác có liên quan.

Đối với trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được quy định tại khoản 1 Điều 57; trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô tại khoản 2 Điều 61, cũng như đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các điều khoản liên quan về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định “Đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa tải phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi, lưu trữ thông tin và cung cấp về người lao động là lái xe khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật”.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo, giải trình những vấn đề đại biểu đã quan tâm góp ý đối với dự thảo Luật.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.