KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Cơ bản đạt mục tiêu tổng quát và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực

Thứ Hai, 20/05/2024, 10:26 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp.

Hoàn thành 10/15 chỉ tiêu chủ yếu

Báo cáo với Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định: Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức vây quanh rất lớn, nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành 10/15 chỉ tiêu chủ yếu.

Tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng, sản xuất kinh doanh được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được đẩy mạnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: tốc độ tăng GDP đạt 5,05%; thu NSNN đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, vượt 8,2; xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 39,4 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,18 tỷ USD.

Chỉ rõ các tồn tại, hạn chế

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ các tồn tại hạn chế trong phát triển KT-XH: Có 5/15 chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, phấn đấu để đạt mức cao nhất nhưng không đạt mục tiêu đề ra đó là: Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (mục tiêu khoảng 6,5%); GDP bình quân đầu người ước đạt 4.284 USD (mục tiêu khoảng 4.400 USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP ước đạt 23,88% (mục tiêu từ 25,4-25,8%); Tốc độ tăng năng suất lao động toàn xã hội đạt 3,65% (mục tiêu 5,0-6,0%); Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,9% (mục tiêu 26,2%).

Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tiếp cận tín dụng khó khăn. Các đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng.

Tình hình lạm phát diễn biến rất phức tạp, các nền kinh tế lớn được dự báo vẫn tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ, gây áp lực tỷ giá đối với đồng nội tệ, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu; rủi ro thu hẹp thị trường, đảo chiều của dòng vốn gia tăng…

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 dự báo phục hồi tích cực

Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên khai mạc.
Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên khai mạc.

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng chính phủ cho biết: Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng về tăng trưởng GDP, công nghiệp, du lịch, thu hút FDI, doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản… tích cực hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024; đồng thời nhận định Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN về kinh tế số, đứng thứ ba Đông Nam Á về đầu tư vào Start-up; IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua của nước ta năm 2029 vào nhóm 20 nền kinh tế lớn thế giới.

 Việt Nam tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên 107 trong Bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của UNDP. Vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng lên nhờ thành quả của hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, mở ra thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới, thời cơ đan xen trong tăng trưởng và phát triển KT-XH thời gian tới.

Phó Thủ tướng cho biết: Tăng trưởng GDP quý I/2024 ước tính 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023 và kịch bản điều hành của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

 Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12% , đóng góp 52,23%.

Các hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Trong 4 tháng đầu năm, có gần 81,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3% so với cùng kỳ.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình KT-XH nước ta những tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đưa ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội trong những tháng cuối năm 2024.

Tiếp theo nội dung báo cáo của Phó Thủ tướng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Bài, ảnh: CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

 

;
.