HƯỞNG ỨNG THÁNG CÔNG NHÂN NĂM 2024

Nhiều đề xuất trong phát triển công đoàn

Thứ Sáu, 10/05/2024, 18:19 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội thảo khu vực phía Nam do Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức ở TP.Vũng Tàu, cán bộ công đoàn đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong DN ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2023-2028, tầm nhìn đến năm 2033. 

Đại biểu góp ý, đề xuất giải pháp tại hội thảo.
Đại biểu góp ý, đề xuất giải pháp tại hội thảo.

Nhiều khó khăn, thử thách

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS quý I/2024 trong cả nước đạt kết quả khả quan. Trong đó, các đơn vị đã kết nạp được hơn 152 ngàn đoàn viên công đoàn (139.540 đoàn viên thuộc DN ngoài Nhà nước; 750 đoàn viên ở khu vực phi chính thức). Đồng thời, thành lập 1.145 CĐCS (bao gồm 1.011 CĐCS ở DN khu vực ngoài Nhà nước; 24 nghiệp đoàn cơ sở). Tuy nhiên, việc phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, nhất là khu vực ngoài Nhà nước còn nhiều thách thức.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác phát triển đoàn viên, thành lập mới CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở gặp nhiều thử thách. Đại diện LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng chỉ ra thực trạng thiếu nguồn lao động để phát triển thêm đoàn viên, trong khi đã thực hiện gần như tất cả giải pháp. 

LĐLĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, một số người sử dụng lao động chưa hiểu đúng, đầy đủ về vai trò và chức năng của tổ chức công đoàn. Vì thế, có nơi có lúc còn né tránh, gây khó khăn cho việc tiếp cận tuyên truyền vận động NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn. Việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn còn xảy ra tại một số DN; cơ quan quản lý thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm pháp luật lao động… Chất lượng hoạt động ở một số CĐCS còn hình thức, chưa hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút NLĐ. 

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng nghị quyết về đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong DN ngoài khu vực Nhà nước giai đoạn 2023-2028 tầm nhìn đến năm 2033. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng nên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định tổ chức hội thảo ở 3 khu vực.

Sáng tạo vận động, tập hợp NLĐ

Đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, các DN mới thành lập, DN nước ngoài tuyển dụng lượng lớn lao động là điều kiện thuận lợi để thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên trên địa bàn. Đơn vị cũng phối hợp với ngành LĐTBXH, BHXH để đối chiếu, rà soát số lượng NLĐ, số lượng tham gia BHXH. Trên cơ sở đó có kế hoạch phát triển đoàn viên phù hợp và đồng thuận với các đơn vị trực thuộc về chỉ tiêu phát triển.

Ông Trần Văn Trạch, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Cần tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nối với chủ DN, người sử dụng lao động để tuyên truyền vận động. Cách làm này đạt kết quả tốt ở các đơn vị đã có CĐCS”. Ông Trạch đề nghị cần xem xét, rà soát lại số lượng đoàn viên công đoàn khi xảy ra hiện tượng NLĐ khó khăn nên xin nghỉ để rút BHXH một lần, rồi sau đó tiếp tục đi làm trở lại.

Kinh nghiệm cho thấy, trên cơ sở tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, các cấp công đoàn một số địa phương đã phối hợp tổ chức khảo sát nắm bắt số lượng lao động phi chính thức đang làm việc trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp xúc; tuyên truyền, vận động NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn và tiến tới thành lập nghiệp đoàn, hỗ trợ ban đầu cho nghiệp đoàn. 

Một số ý kiến cho rằng cần đổi mới hoạt động của CĐCS trong DN để NLĐ thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn. Hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ NLĐ cần được tiến hành thường xuyên, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tạo niềm tin để NLĐ tham gia và gắn bó với tổ chức công đoàn. Đồng thời, bổ sung chế độ cho đội ngũ cộng tác viên trong hoạt động công đoàn; bồi dưỡng về nhận thức và giữ vững bản chất công đoàn, kỹ năng vận động cho đội ngũ cộng tác viên...

Ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, các kiến nghị, đề xuất của đại biểu sẽ được tổng hợp để báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, hoặc phối hợp để giải quyết theo thẩm quyền.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.