Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp (TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây là công trình văn hóa, nơi lưu giữ hàng ngàn tài liệu, hiện vật gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khách tham quan nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: svhttdl.dienbien.gov.vn. |
Trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng trên diện tích 22.000m2, là công trình có kiến trúc hiện đại. Hình dáng bên ngoài được thiết kế cách điệu như hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Phần trưng bày được bố trí ở tầng một của Bảo tàng, diện tích 1.250m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, bản đồ được tổ chức sắp xếp khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
Phần trưng bày này được sắp xếp theo trình tự thời gian, có sự đan xen với lối trưng bày theo bộ sưu tập hiện vật, gồm không gian chung với 5 chủ đề: Sơ lược cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược; Chiến dịch Điện Biên Phủ (âm mưu của Thực dân Pháp, chủ trương của ta, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ); Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới; Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới trong chiến dịch Điện Biên Phủ và Tôn vinh.
Các hiện vật trưng bày được đặt trong tủ kính, có bệ đỡ phủ nhung đỏ với hệ thống chiếu sáng làm nổi bật hiện vật. Dưới mỗi hiện vật đều có chú thích đầy đủ các thông tin về hiện vật một cách ngắn gọn, xúc tích, làm nổi bật ý đồ của việc trưng bày hiện vật tại bối cảnh đó, không gian đó, để người xem thấy rằng mỗi hiện vật hoặc một nhóm hiện vật là một câu chuyện, là một giai đoạn lịch sử. Những hiện vật gắn với những kỳ tích của cá nhân được đặt trang trọng tại những vị trí dễ nhìn, dễ quan sát và dễ giới thiệu cho khách tham quan như: Xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng, xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm.
Bên cạnh những hiện vật, tài liệu, Bảo tàng đã sử dụng một khối ảnh tư liệu hết sức đa dạng trong trưng bày. Ngoài những bức ảnh tư liệu gốc được sao chụp lại, còn có rất nhiều ảnh tư liệu được khai thác từ các cơ quan lưu trữ, các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Bảo tàng còn dành hẳn một phòng trưng bày ảnh chân dung những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Đây là cách để trân trọng, tôn vinh và tri ân những anh hùng đã góp phần làm nên chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta.
Đặc biệt, Bảo tàng còn trưng bày một số loại pháo mà trước đây chỉ trưng bày ngoài trời như Sơn pháo, Cao xạ, pháo 105mm, pháo H6. Pháo 105mm và pháo H6 là những vũ khí hạng nặng lần đầu tiên được sử dụng, đã đem lại hiệu quả bất ngờ và gây những thiệt hại trầm trọng cho Pháp.
Công trình nghệ thuật đồ sộ
Một điểm nhấn của bảo tàng là bức tranh tròn Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là bức tranh toàn cảnh đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến năm 2024. Tác phẩm được khởi công, thực hiện trong thời gian 9 năm, từ năm 2013 và mãi đến tháng 5/2022 mới hoàn thành. Đây là công trình nghệ thuật đồ sộ với sự tham gia của gần 200 họa sĩ.
Bức tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 3600. Bức tranh có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m. Phần đắp nổi sắp đặt các mẫu vật nối tiếp, phần mái vòm thể hiện bầu trời hòa bình tạo nên một bức tranh có tổng diện tích 3.225m2. Hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc và sự hùng tráng, ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 được các họa sĩ khắc họa từ hàng ngàn tư liệu lịch sử được sưu tầm từ Trung tâm dữ liệu quốc gia Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam và các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhân chứng lịch sử. Bức tranh đã khắc họa, thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng mạnh người xem.
Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
NGUYÊN CHƯƠNG (Tổng hợp)