Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) do LĐLĐ tỉnh vừa tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận về điều khoản quy định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ); tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công đoàn…
Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở LĐTBXH) nêu ý kiến về quy định đóng kinh phí công đoàn. |
Tạo thuận lợi cho cán bộ công đoàn
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau hơn 10 năm triển khai, Luật Công đoàn 2012 xuất hiện nhiều yêu cầu đòi hỏi phải tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, khi Bộ Luật Lao động 2019 ra đời có những điểm mới về quan hệ lao động, quyền công đoàn tại DN, khác biệt so với Luật Công đoàn. Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, việc sửa đổi Luật Công đoàn là rất cần thiết.
Ông Quảng cho biết dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có nhiều nội dung mới hoặc được sửa đổi, bổ sung. Đáng chú ý như việc điều chỉnh cho phép người làm việc không có quan hệ lao động được gia nhập, hoạt động công đoàn; NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; bổ sung các quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn; hoàn thiện một số quy định về cơ chế tài chính, pháp luật công đoàn... để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, quy định, điều lệ hoạt động của tổ chức công đoàn cần mang tính quốc tế và sát với thực tiễn, từng bước tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn quy định tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách dựa trên số lượng đoàn viên. Dưới 50 đoàn viên tối thiểu 60 giờ làm việc/tháng; từ 50-100 đoàn viên tối thiểu 100 giờ làm việc/tháng…
Bà Phạm Thị Tùng, Chủ tịch LĐLĐ TX.Phú Mỹ cho rằng quy định này gây nhiều khó khăn cho cán bộ công đoàn. Đơn cử, trong trường hợp cán bộ CĐCS là GV. Khi tham gia các hoạt động tập huấn, tham gia hội họp công đoàn… thì GV bị trừ lương khoảng thời gian này. Điều này gây khó khăn và thiệt thòi cho các GV.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở LĐTBXH) cho rằng về quy định thời gian hoạt động của cán bộ công đoàn nếu áp dụng theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012 thì vẫn không sao vì bị khống chế số giờ của tất cả thành viên theo quy định của Chính phủ.
Với quy định mới thì rất khó xác định tổng thời gian, khó thực hiện, không khả thi. Ví dụ như có hoạt động cần huy động tất cả cán bộ công đoàn họp cùng lúc thì tổng số giờ sẽ vượt quá khung. "Vì thế, chỉ cần quy định tổng số giờ hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở không vượt quá quy định tại khoản 2 điều 174 Bộ Luật lao động là tốt nhất”, ông Nguyễn Phi Hùng đề xuất.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Xoay quanh dự thảo luật này, nhiều vấn đề đang được cán bộ công đoàn đóng góp ý kiến như thời gian hoạt động của cán bộ CĐCS… Luật Công đoàn phải sát với thực tế cuộc sống, tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên-lao động. |
Băn khoăn về kinh phí công đoàn
Vấn đề tài chính công đoàn cũng được các đại biểu quan tâm. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, việc dự thảo sửa Luật Công đoàn, Luật BHXH lần này cùng thời điểm sửa luôn chính sách tiền lương nên thời gian tới việc đóng phí công đoàn cũng sẽ tăng theo. Vì thế nên chọn phương án 1 giao Chính phủ quy định việc phân phối kinh phí công đoàn tại những nơi đã có tổ chức công đoàn của NLĐ tại DN.
Về vấn đề này, đại diện LĐLĐ huyện Long Điền cũng nêu ý kiến về việc chậm đóng kinh phí công đoàn và đề nghị nên đưa ra mốc thời gian là bao nhiêu tháng cụ thể để quy định được chặt chẽ.
Liên quan đến việc gia nhập công đoàn của NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh cho rằng: “Cần xem xét có những quy định cụ thể. Điển hình, khi vận động NLĐ nước ngoài gia nhập thì liên quan đến vấn đề ngôn ngữ và các quy định khác. Công đoàn cấp trên khi hỗ trợ CĐCS giải quyết các vấn đề phát sinh thì cần có trình độ, có khả năng về ngoại ngữ… để tuyên truyền cho NLĐ hiểu”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Cao su Bà Rịa cho rằng cần có phương án về thành lập tổ chức công đoàn tại nước ngoài. Ngành Cao su Việt nam hiện có khoảng 21 ngàn lao động tại các nước Lào và Campuchia, trong đó chỉ có khoảng 600 người Việt Nam chủ yếu ở các vị trí quản lý. Công đoàn tại Việt Nam không thể ký các thỏa ước lao động tập thể với đơn vị hoạt động ở nước ngoài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến dựa trên cơ sở chuyên môn và thực tiễn hoạt động công đoàn tại địa phương. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp để trình lên Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét để bổ sung, sửa đổi, sớm hoàn thiện Luật Công đoàn, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN