.

Công nhân mong giảm giờ làm so với mức 48 giờ/tuần

Cập nhật: 19:06, 09/05/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Tại buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề diễn ra sáng 9/5, do Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức, công nhân, người lao động (NLĐ) đã chia sẻ nhiều tâm tư, nguyện vọng về đời sống, việc làm…

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tặng quà cho NLĐ khó khăn  trong buổi tiếp xúc.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tặng quà cho NLĐ khó khăn trong buổi tiếp xúc.

NLĐ trải lòng về đời sống, việc làm

Cử tri Nguyễn Văn Hải, Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu trăn trở: “NLĐ ở hầu hết các DN đang làm việc 48 giờ/tuần. Công đoàn Công ty đã nhiều năm kiến nghị giảm giờ làm để bảo đảm sức khỏe, đời sống cho NLĐ. Song chủ DN vẫn đang thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc của Bộ LĐTBXH là 48 giờ”. Ông Hải băn khoăn: “Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có kiến nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu và sớm thực hiện quy định theo Nghị quyết 101/2019/QH14 về giảm giờ làm việc đối với NLĐ xuống mức thấp hơn 48 giờ/tuần. Chúng tôi chờ mong chủ trương giảm giờ làm sẽ sớm được áp dụng”.

Vấn đề cử tri Nguyễn Văn Hải nêu là mối quan tâm hàng đầu của NLĐ, cũng là bài toán trên phạm vi cả nước. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như: giao hàng, nhà hàng, khách sạn... cho rằng, ở một số vị trí có thể bố trí NLĐ làm việc dưới 48 giờ/tuần, nhưng phải tuyển dụng thêm nhân sự. Trong khi các DN dệt may cho rằng, khó có thể sắp xếp được thời gian làm việc dưới 48 giờ/tuần vì số lượng đơn hàng khá lớn.

Tại buổi tiếp xúc, bên cạnh việc quan tâm đến quy định thời gian làm việc trong tuần, cử tri Vũ Thị Linh Nhâm (NLĐ làm việc trên địa bàn TX.Phú Mỹ) kiến nghị, cần giải pháp để hạn chế tình trạng người sử dụng lao động chiếm dụng, chậm, trốn đóng tiền BHXH của NLĐ.

“Cần bổ sung chế tài cao hơn đối với hành vi kể trên và tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ”, cử tri Nhâm nói. Cử tri này cũng đề nghị bổ sung quy định thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng chiếm dụng, trốn, chậm đóng BHXH gia tăng..

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH ETOP Việt Nam  (TX.Phú Mỹ) cho biết, lao động nữ luôn là đối tượng thiệt thòi trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH. Đề nghị quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của lao động nữ. Đặc biệt là chế độ thai sản, ốm đau, khám sức khỏe định kỳ, số lần khám thai, số ngày nghỉ của người cha để dành thời gian chăm sóc con... Cụ thể, đề nghị Quốc hội xem xét, quy định tăng số lần khám thai tối đa lên 9 lần trong thai kỳ để bảo đảm cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe thai nhi. Theo quy định hiện tại, lao động nữ chỉ được khám thai 5 lần.

Góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Cử tri Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Chang Chun Vina (huyện Long Điền) đề nghị Quốc hội xem xét quy định tại khoản 2, điều 27 về thời gian làm nhiệm vụ công đoàn. Việc quy định cần có cơ sở hợp lý, tránh cào bằng. Vì ngoài nhiệm vụ là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong quan hệ lao động, công đoàn còn là tổ chức chính trị-xã hội thực hiện các nhiệm vụ của Đảng giao.
Ngoài ra, cán bộ công đoàn cũng đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) như vấn đề tài chính công đoàn; đề nghị cho phép NLĐ nước ngoài gia nhập và hoạt động công đoàn…

Bảo đảm tối đa quyền lợi của công nhân, NLĐ

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của NLĐ. Đồng thời cho biết, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết để hỗ trợ DN; NLĐ được hỗ trợ về nhà ở, việc làm... Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để đồng hành cùng DN và NLĐ. Trong đó, tỉnh có hỗ trợ về vay vốn cũng như nhiều chính sách khác dành cho NLĐ.

Về vấn đề chậm đóng BHXH, tổ chức công đoàn phải giám sát, hướng dẫn NLĐ, phối hợp với BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Về giảm giờ làm, tổ chức công đoàn cần tăng cường giám sát để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm lo gia đình. Về chế độ chính sách đối với lao động nữ, kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Bài, ảnh: TUYẾT MAI

 
.
.
.