Cần bảo vệ người cứu giúp người bị tai nạn giao thông

Thứ Tư, 22/05/2024, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 22/5, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về giờ nghỉ tối thiểu của lái xe. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về giờ nghỉ tối thiểu của lái xe. Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung quy định về giờ nghỉ tối thiểu của lái xe

Phát biểu thảo luận đối với hành vi cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ khi có điều kiện, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đây là quy định đã có trong pháp luật dân sự. Đây cũng là quy định mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội của mọi người. Tuy nhiên, pháp luật về giao thông chưa thể chế rõ các nội dung liên quan bảo đảm cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện cũng như bảo vệ người chấp hành đúng quy định của pháp luật cứu người bị tai nạn.

Để khắc phục một số hạn chế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cần quy định trong Luật các biện pháp bảo vệ người tham gia giúp đỡ người bị TNGT để người dân an tâm thực hiện.

Quan tâm đến quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho biết, dự thảo Luật đang quy định thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ.

Theo đại biểu, quy định này áp dụng đối với người lái xe ô tô kinh doanh vận tải. “Tuy nhiên còn một số đối tượng khác như lái xe cá nhân và lái xe gia đình hiện nay thì quy định như thế nào, bởi có nhiều hộ gia đình có xe ô tô riêng?”, đại biểu Hạ băn khoăn.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, một số quốc gia trên thế giới có quy định cả về giờ nghỉ tối thiểu sau thời gian liên tục lái xe. Nhật Bản quy định giờ nghỉ tối thiểu là 30 phút, Malaysia là 30 phút và các nước EU là 45 phút. Do vậy, dự thảo Luật nên cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về giờ nghỉ tối thiểu.

Băn khoăn ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0

Quan tâm đến nội dung “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” chưa được cân nhắc tiếp thu trong dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã gửi bài phát biểu thảo luận đến Ban soạn thảo bày tỏ băn khoăn với quy định tại khoản 2 Điều 10 của dự luật nghiêm cấm: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Đại biểu Hùng cho rằng, đây là quy định mà nhiều ĐBQH băn khoăn, có ý kiến và cũng là quy định mà cử tri và Nhân dân rất quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau và cho rằng, quy định này rất khắt khe, chưa tính tới các điều kiện, hoàn cảnh khách quan.

Đại biểu nhấn mạnh, như nhiều ĐBQH đã phân tích, có những trường hợp người dân sử dụng thực phẩm lên men như: Nước trái cây, cơm rượu, hoặc vì lý do cơ địa cũng dẫn đến nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0mg/100ml máu hoặc trên 0mg/1 lít khí thở. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và đưa ra các luận điểm, luận cứ khoa học đầy đủ, thuyết phục hơn nữa. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi, bỏ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0 và nên quy định mức tối thiểu để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cần nâng cao mức xử phạt với các trường hợp vượt ngưỡng nồng độ cồn để mang tính răn đe, hạn chế tối đa vi phạm.

NGỌC NGUYỄN

;
.